Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 1 đến 3-12-2023 tại Hà Nội với 1.100 đại biểu tham dự. Dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, về những kỳ vọng, đề xuất của Công đoàn Bình Dương tại đại hội lần này.
- Thưa bà, đại diện cho hơn 820.000 công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh, đoàn đại biểu Công đoàn Bình Dương mang theo những kỳ vọng gì đến với Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam?
- Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị trọng đại của đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và người lao động (NLĐ). Đoàn đại biểu Công đoàn Bình Dương kỳ vọng và có niềm tin sâu sắc rằng đại hội sẽ thành công như mong đợi. Đại hội sẽ bầu ra Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam và các chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ mới là những người tiêu biểu về năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với tổ chức công đoàn và luôn vì ĐVCĐ, NLĐ để lãnh đạo phong trào công nhân, hoạt động công đoàn ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, đại hội sẽ đưa ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, mở ra hướng phát triển mới để hoạt động công đoàn ngày càng phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Thưa bà, những nội dung trọng tâm nào sẽ được đoàn đại biểu Công đoàn Bình Dương tham gia thảo luận tại đại hội?
- Tại đại hội lần này, đoàn đại biểu Công đoàn Bình Dương sẽ cùng với cả nước tham gia 10 diễn đàn chuyên đề để trao đổi, đề xuất sáng kiến cho 10 vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn. Đoàn đại biểu Công đoàn tỉnh có tham luận tại 3 diễn đàn với các nội dung về “đổi mới công tác tập hợp, vận động NLĐ vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS)”; “tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc”; “các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, bảo đảm an ninh trong công nhân”; đồng thời tích cực tham gia thảo luận, đóng góp các ý kiến, đề xuất từ thực tiễn hoạt động công đoàn tại cơ sở để góp phần hoàn thiện văn kiện và các giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội đề ra.
Bà Nguyễn Kim Loan (bìa trái), Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đ.TRỌNG
- Công đoàn Bình Dương có những đề xuất gì để góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các CĐCS tại các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước?
- Hiện nay, Bình Dương có khoảng 4.200 CĐCS với trên 820.000 ĐVCĐ; trong đó có 3.336 CĐCS với gần 770.000 ĐVCĐ trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (chiếm 96% số ĐVCĐ cả tỉnh). Để nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch CĐCS tại DN trong tình hình hiện nay, Công đoàn Bình Dương đề ra một số giải pháp, gắn với khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ chủ tịch CĐCS trong DN, kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội tác động đến ĐVCĐ, NLĐ và DN. Tiếp đó là xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ công tác công đoàn trong thời kỳ mới, để lựa chọn người chủ tịch CĐCS đáp ứng mong đợi của đông đảo ĐVCĐ, NLĐ; hướng dẫn các hình thức phát huy dân chủ để ĐVCĐ được trực tiếp giới thiệu nhân sự, bầu chọn chủ tịch CĐCS đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, sự tín nhiệm theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ chủ tịch CĐCS trong DN; thống nhất việc Tổng LĐLĐ xây dựng tài liệu phục vụ công tác tập huấn, bồi dưỡng làm cẩm nang cho chủ tịch CĐCS trong DN hoạt động. Bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng công tác công đoàn, Công đoàn Bình Dương chủ động phối hợp trường Chính trị tỉnh tổ chức các khóa bồi dưỡng lý luận chính trị ngắn ngày, kết hợp tập huấn nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ, kỹ năng hoạt động quần chúng cho đội ngũ chủ tịch CĐCS trong DN; tổ chức học tập rút kinh nghiệm những mô hình hay, những cách làm hiệu quả từ thực tiễn về hoạt động công đoàn, tạo cơ hội cho đội ngũ chủ tịch CĐCS có dịp gặp gỡ, trao đổi, nâng cao năng lực hoạt động.
Song song đó là quan tâm theo dõi, phát hiện, biểu dương khen thưởng để động viên kịp thời chủ tịch CĐCS trong DN có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn, xây dựng nhân tố điển hình để bồi dưỡng, giác ngộ, trở thành lực lượng nòng cốt, có uy tín trong ĐVCĐ, NLĐ; trên cơ sở đó giới thiệu cho Đảng xem xét bồi dưỡng và kết nạp chủ tịch CĐCS trong DN ưu tú vào Đảng…
- Để NLĐ trên địa bàn an tâm làm việc, thời gian tới Công đoàn Bình Dương có những kiến nghị, đề xuất như thế nào tại đại hội lần này, thưa bà?
- Những năm tới, điều kiện, môi trường hoạt động của tổ chức công đoàn và sự phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam dự báo sẽ có những thay đổi quan trọng. Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải tích cực đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò đối với NLĐ. Chính vì vậy, Công đoàn Bình Dương đề xuất một số nội dung sau:
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ cả nước. Đoàn đại biểu Công đoàn Bình Dương tham dự đại hội có 36 đại biểu; trong đó có 4 đại biểu đương nhiên, 31 đại biểu được bầu tại Đại hội XI Công đoàn tỉnh Bình Dương và 1 đại biểu chỉ định, đại diện cho hơn 820.000 ĐVCĐ trong tỉnh… |
Thứ nhất, thường xuyên nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thời gian qua, khẳng định kết quả đạt được, chỉ rõ khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức, phát động vàthực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong các DN, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động cho NLĐ; tích cực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của NLĐ, nhất là trong DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm phát huy sáng kiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của công đoàn theo hướng sâu sát cơ sở, hỗ trợ, hướng dẫn vàđồng hành với CĐCS; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVCĐ, NLĐ, chủ động đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến tình hình quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, kiểm tra của công đoàn cấp trên đối với CĐCS theo hướng tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thực thi pháp luật về công đoàn và lao động.
Thứ tư, chú trọng xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, coi trọng xây dựng và tạo nguồn cán bộ công đoàn các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, có đủ kỹ năng, kiến thức, bản lĩnh và tự tin khi đối thoại, thương lượng tập thể với người sửdụng lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ…
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
MINH DUY (thực hiện)