Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục nâng cao chất lượng các cấp học, hướng tới xây dựng trường học thông minh, hạnh phúc…

Cập nhật: 31-08-2023 | 16:08:51

Chỉ còn vài ngày nữa, hơn 548.000 học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ tham dự lễ khai giảng, bước vào năm học 2023-2024. Hiện các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học trong năm học mới. Trước thềm năm học mới, P.V báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về các vấn đề liên quan đến năm học này.

 - Theo kế hoạch, chỉ còn chưa tới một tuần nữa các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức khai giảng năm học mới 2023-2024. Xin bà cho biết công tác chỉ đạo về chuẩn bị năm học mới của ngành GD&ĐT đến thời điểm này như thế nào?

- Đến thời điểm này xem như cơ bản các trường, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để bước vào năm học mới. Đặc biệt về cơ sở vật chất, sở đã phối hợp tốt với các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác đầu tư xây dựng đủ chuẩn học hai buổi ở các cấp học. Các địa phương cũng đã hoàn thiện các cơ sở mới sẵn sàng đón học sinh vào trường. Dự kiến đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 19 công trình trường công lập được hoàn thành gồm xây mới, nâng cấp và cải tạo với tổng mức đầu tư trên 2.101 tỷ đồng. Ngay trong dịp hè vừa qua, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tiến hành tu bổ, sữa chữa những hạng mục nhỏ để chuẩn bị cho năm học mới.

Hiện nay, ngành giáo dục đã chỉ đạo các địa phương về công tác tổ chức lễ khai giảng. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, lễ khai giảng năm nay sẽ được tổ chức ngắn gọn. Tuy vậy, vẫn sẽ có một phần hội để các em có thể giao lưu và tham gia các hoạt động, giúp các em hào hứng bước vào năm học mới vui tươi và ý nghĩa hơn. Sở GD&ĐT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các trường. Hiện tại, đa số các phòng GD&ĐT cùng các trường đã sẵn sàng cho lễ khai giảng năm học mới.

- Thưa bà, năm học 2023- 2024 ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tiếp tục thực hiện việc thay sách giáo khoa với học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Vậy bước vào năm học mới, ngành giáo dục đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 toàn ngành thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở GD&ĐT đã tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện chương trình này. Cụ thể, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa được giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa và bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa cho học sinh trước năm học mới. Đến thời điểm hiện tại, mọi công đoạn đã hoàn tất, tất cả các trường đã sẵn sàng tâm thế để bắt đầu năm học mới với một khí thế mới, quyết tâm mới.

 Hệ thống cơ sở vật chất trên địa bàn tỉnh về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học cho năm học mới 2023-2024. Trong ảnh: Trường Mầm non Ánh Dương, huyện Bàu Bàng khang trang, sạch đẹp chào mừng năm học mới

- Năm học 2022-2023, ngành giáo dục Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thưa bà, để giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học 2023- 2024, ngành đã có những giải pháp gì?.

- Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, năm học 2023-2024, ngành giáo dục Bình Dương quyết tâm tiếp tục thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng các cấp học. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngành giáo dục Bình Dương sẽ hướng tới việc xây dựng trường học hạnh phúc ở tất cả các cấp học và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số để hướng tới xây dựng trường học thông minh nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Toàn ngành sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả các kỳ thi; bảo đảm cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học. Ngành cũng sẽ tổ chức rà soát, nghiên cứu, tham mưu các chính sách thu hút giáo viên; tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách; tăng cường chăm lo, chia sẻ và đồng hành với giáo viên, người lao động để tiếp tục bồi đắp lòng yêu nghề, tính gắn kết, cống hiến vì sự nghiệp GD&ĐT. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường phối hợp với Hội Khuyến học các cấp và các cơ quan, tổ chức, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện chương trình “Tiếp sức đến trường”…

- Bên cạnh thuận lợi đã nêu, vậy khó khăn là gì, thưa bà?

- Bước vào năm học mới, ngành giáo dục có nhiều khó khăn hiện hữu như ở một số địa phương (TP.Thuận An, TX.Bến Cát, TP.Tân Uyên)… do số lượng học sinh tăng cao dẫn tới tình trạng quá tải trường lớp. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng giáo viên còn nhiều khó khăn nên bước vào năm học mới, nhân sự cho ngành giáo dục vẫn thiếu, toàn ngành thiếu nhiều giáo viên so với định mức, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học.

Khó khăn là không ít nhưng các địa phương, các cơ sở giáo dục đã chủ động sắp xếp lại quy mô trường lớp, tận dụng các phòng chức năng, thực hành... làm phòng học, lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị; đồng thời tìm các biện pháp bố trí đủ giáo viên đứng lớp, như: Điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, khẩn trương tổ chức thi tuyển mới, vận động giáo viên kiêm nhiệm, dạy tăng tiết... để cơ bản đáp ứng nhu cầu năm học mới. Ngành giáo dục cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép hợp đồng giáo viên còn thiếu theo biên chế được giao để bảo đảm chất lượng dạy và học.

- Xin cảm ơn bà!

HỒNG PHƯƠNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X