Khoảng nửa tháng nữa là hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2011. Đến thời điểm này nhiều thí sinh vẫn chưa biết chọn ngành nào, trường nào.
Chọn nghề, chọn trường - bài toán khó?
Nguyễn Tuấn Anh, học sinh (HS) lớp 12, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) băn khoăn: “Em thi khối D và thích ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, hiện có nhiều trường mở ngành này như: ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại thương… Không biết nội dung chương trình học ở các trường có khác nhau không và chất lượng đào tạo ở đâu tốt hơn?!”.
Tương tự, Ngọc Minh, HS Trường Bán công Đống Đa cho biết: “Em thi khối C, em cũng đang tham khảo ý kiến của thầy cô, bố mẹ và nghe ngóng bạn bè để chọn ngành, chọn trường nào có khả năng đỗ cao, tốt nghiệp dễ kiếm việc, nhưng thông tin hiện nay vẫn chung chung nên rất lo”.
Đây cũng là tâm trạng của nhiều thí sinh khi đứng trước bài toán chọn nghề - chọn trường - quyết định vô cùng quan trọng của cuộc đời.
Giới trẻ băn khoăn lựa chọn nghề cho tương lai.
Theo PGS.TS. Dương Văn Sao, Hiệu trưởng Trường ĐH Công Đoàn (Hà Nội), nguyên nhân của tình trạng trên là do các em thiếu thông tin, thiếu hiểu biết để có sự lựa chọn chuẩn xác nghề nghiệp trong tương lai. Vì thế, các trường phổ thông cần quan tâm đến công tác tuyên truyền hướng nghiệp nhiều hơn nữa. Bản thân các trường ĐH, CĐ cũng phải đẩy mạnh việc tư vấn hướng nghiệp, vì nhiều trường vẫn yếu ở khâu này.
Việc chọn ngành học, trường học cần xuất phát từ năng lực của thí sinh (TS), đầu ra đáp ứng thị trường lao động. Nhiều HS dù biết mình không có khả năng vào ĐH, CĐ cũng không lựa chọn con đường học nghề. Quan niệm học 12 năm chỉ để đi đến cái đích vào đại học là một quan niệm sai lầm. Hãy coi đại học chỉ là một trong những bậc thang để đạt sự thành công trong nghề nghiệp.
Chọn sai nghề chiếm trên 60%?
Kết quả khảo sát trong đề tài nghiên cứu “Những đặc điểm tâm lý trong chọn nghề của HS THPT ở Hà Nội” của TS. Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý, Trường ĐH KHXH&NV (thuộc ĐHQG Hà Nội) cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: Tỷ lệ chọn sai nghề nghiệp ở giới trẻ chiếm khoảng trên 60%. Cũng theo khảo sát này, chỉ 4,26% HS có hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về nghề lựa chọn; 18,77% có hiểu biết tương đối đầy đủ nhưng hời hợt về nghề; 76,97% thiếu hiểu biết về nghề mà bản thân đã quyết định lựa chọn.
Hàng năm, có trên 2 triệu lượt TS đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ, khoảng 70% trong số đó đến dự thi. Số TS đạt từ điểm sàn trở lên từ 32 - 34%. Trên thực tế, một tỷ lệ khá cao các bạn thi đại học mà trượt NV1, chấp nhận đăng ký học NV2, NV3 chỉ là học để lấp chỗ trống và sang năm sẽ thi lại.
Lý giải về tình trạng TS điểm cao nhưng vẫn trượt, PGS.TS. Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP HCM cho rằng: “Những TS này chưa có sự lựa chọn ngành thi phù hợp với sức học của mình và chưa tham khảo đầy đủ các thông tin về điểm thi của trường trong các mùa tuyển sinh trước để nộp hồ sơ xét tuyển”. Bên cạnh đó, nhiều TS có tâm lý đi thi theo bạn bè hoặc chọn nghề gì đó để “thể hiện đẳng cấp”. Sự thiếu hiểu biết về các loại ngành nghề, về năng lực và hứng thú nghề nghiệp của bản thân đã dẫn đến những lựa chọn sai lầm của nhiều TS.
3 tiêu chí để chọn nghề chuẩn xác
PGS.TS. Phạm Văn Điển, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, có 3 tiêu chí cốt lõi nhất cấu thành “tam giác” chọn nghề mà các bạn trẻ cần dựa vào để tự lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp. Quan trọng nhất là năng lực học tập, tiếp đó là sở thích và tính cách. TS phải tìm hiểu rõ ngành nghề mình dự kiến chọn có được xã hội trọng dụng hay không, ở mức độ và quy mô nào.
Giải đáp những băn khoăn về việc TS đã chọn ngành học, nhưng chưa biết chọn trường nào, các chuyên gia khuyên là, cùng một ngành học nhưng ở các trường khác nhau lại có điểm trúng tuyển khác nhau, vì vậy, phải xem xét kỹ lưỡng trường mà mình chọn thi. Đặc biệt, TS khi chọn trường học, ngành học thì ngoài việc tham khảo về tỷ lệ “chọi” (tỷ lệ TS nộp hồ sơ/chỉ tiêu tuyển sinh) thì cần biết so sánh. Bởi vì không phải tỷ lệ “chọi” ở trường này cao hơn thì điểm trúng tuyển cao hơn và ngược lại. Quan trọng hơn là phải tìm hiểu thêm chất lượng TS dự thi - đây chính là yếu tố quyết định điểm chuẩn cao hay thấp.
Box: Dự kiến xu hướng chọn ngành học năm 2011 vẫn tương đương so với năm 2010. Dẫn đầu không thay đổi là các ngành y dược, sư phạm, các ngành kinh tế, ngành kiến trúc, xây dựng và tiếng Anh... Một số ngành kỹ thuật có khả năng được TS lựa chọn nhiều hơn năm 2010. Nhóm ngành công nghệ thông tin giảm nhiều so với các năm trước. Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nông - lâm - ngư nghiệp… vẫn không được nhiều TS lựa chọn.
Theo VOV