“Bắc cầu” cho những mảnh đời lạc lối quay về...
Đắm chìm trong làn khói vật vờ đầy ma lực của “nàng tiên nâu”, hay vướng vào vòng lao lý, tưởng rằng, những phận người lạc lối sẽ sống hết quãng đời còn lại trong vũng lầy tội lỗi. Nhưng bằng tình thương, hơn hết là trách nhiệm, những người giáo dưỡng, quản giáo tại Trại giam An Phước hay ở Trung tâm Giáo dục lao động - Tạo việc làm (TT) tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) đã đánh thức mầm thiện bị “bỏ quên” trong họ.
(BDO)
Thầy Đỗ Cao Trí hướng dẫn HV đọc, viết lớp xóa mù chữ ở TT Ảnh: Đ.TUÂN
Giáo dục nhân cách
Chúng tôi đặt chân đến Trại giam An Phước (xã An Thái, huyện Phú Giáo) vào một buổi chiều cuối tháng 11. Cánh cổng trại giam cao lớn đóng im ỉm, “án ngữ” giữa bức tường vững chãi cùng dãy hàng rào thép gai kiên cố bao quanh, tất cả tạo nên sự uy nghiêm, cách biệt. Ở các trại giam, cảnh sát quản giáo, giáo dục là lực lượng nòng cốt có vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc giáo dục, cải tạo phạm nhân; thực hiện các mặt công tác có liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người phạm tội.
Đã từ lâu, người cảnh sát quản giáo, giáo dục được xem như là những người thầy mẫu mực, những “kỹ sư tâm hồn”. Vì không chỉ giảng dạy chữ viết, văn hóa hay nghề nghiệp, mà họ còn vực dậy cả những con người gần như mất đi sự sống, hoặc những mảnh đời đang rơi vào vực thẳm. Thầy Vũ Trọng Châu, cán bộ Đội Giáo dục hồ sơ (Trại giam An Phước), với 20 năm kinh nghiệm trong nghề tâm sự, trong trại giam có nhiều đối tượng khác nhau. Những đối tượng mới đưa vào trại rất khó để cảm hóa. Những người thầy phải luôn trau dồi kỹ năng sư phạm, dùng chính sách nhân đạo, tình cảm để nói họ nghe, kêu họ làm.
“Trong quá trình giảng dạy, tôi nhớ mãi trường hợp phạm nhân Võ S. Anh S. phạm tội lạm dụng chức quyền nên bị giam tù. Khi tôi đứng lớp, anh Võ S. tỏ ra không phục vì cho rằng trình độ kém hơn mình. Không thể nói chuyện với phạm nhân về luật, chính sách, tôi chuyển sang nói đạo đức, cuộc sống. Anh S. nhận ra mình học thức cao nhưng cũng có khiếm khuyết và vi phạm. Từ đó, anh S. thay đổi nhận thức và cùng cán bộ quản giáo giúp phạm nhân hiểu được chính sách, pháp luật Nhà nước”, anh Châu kể lại. Qua trường hợp ông S., anh Châu rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, mỗi cán bộ khi tiếp xúc với phạm nhân cần nghiên cứu kỹ lý lịch của họ, chuẩn bị kỹ lưỡng bài giảng. Trong lúc gặp gỡ phạm nhân, tư tưởng phải vững vàng, lập luận chặt chẽ để hướng họ đi theo những điều đúng.
Tại TT tỉnh, ở ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, nơi tìm lại tương lai cho những người từng là đệ tử “nàng tiên nâu”. Đến TT, các học viên (HV) được học nghề, văn hóa để trở thành người tốt. Anh Đoàn Phước Hậu, Phó phòng Giáo dục của TT cho rằng, vốn dĩ từng là “đầu gấu” bên ngoài, nhiều HV phản ứng mạnh khi yêu cầu họ phải làm theo những việc nghĩa. Tuy nhiên, không nản chí, các cán bộ giáo dưỡng tìm mọi cách tiếp cận, đánh vào điểm yếu của họ để họ nể phục.
Con chữ nên người
Không những “tìm lại” nhân cách cho những người lạc lối tại TT, ở trại giam cũng dạy văn hóa, hướng nghiệp, giúp những HV lầm lỡ rèn luyện tốt để sớm trở về với gia đình, xã hội. Không giấu được niềm vui, anh Trần Văn Hải, quê ở Nam Định khoe với chúng tôi: “Do không biết chữ, không nhận thức được việc làm đúng sai nên trong thời gian qua anh đã bị sa ngã. Giờ đây, vào TT anh đã được học nghề, học văn hóa và biết đọc, biết viết. Anh Hải thầm cảm ơn thầy cô và những cán bộ giáo dưỡng đã cho mình cái thiện”. Thầy Đỗ Cao Trí, đảm nhận dạy văn hóa, quản lý HV tâm sự, lúc mới đến TT, thầy cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với HV. Mỗi HV đều mang trong mình những tâm sự riêng, để họ sống hòa nhập, tập trung học tập rất khó; trong lớp học, trình độ HV cũng không đồng đều. Khi mới vào nhận lớp, thầy cô cho kiểm tra trình độ mỗi HV để phân lớp dạy cho phù hợp với trình độ của từng HV.
Đào tạo nghề cho HV tại TT Ảnh: Đ.TUÂN
Trong hội trường rộng tại Trại giam An Phước, gần 40 “học sinh áo sọc đen trắng” đang rèn từng nét chữ. Nhìn những ngón tay thô kệch cẩn thận chăm chú tô theo mẫu chữ cái đã in sẵn trong cuốn tập có ô li, trong đó không ít người dù mái tóc đã điểm bạc khiến chúng tôi thầm thán phục “trình độ nghiệp vụ” của thầy cô nơi đây. Anh Ngô Văn Lương, phạm nhân trại giam bộc bạch: “Tôi đã biết lỗi của mình. Tôi cảm thấy vô cùng ân hận khi làm những điều phạm pháp trong xã hội. Giờ đây, biết được con chữ, được giáo dục đạo đức, pháp luật, tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để mau trở về với gia đình”. Có lẽ điều mong muốn của anh Lương cũng như bao nhiêu phạm nhân khác đang ngày đêm ân hận tiếc nuối vì những việc mình đã... lỡ. Giờ đây, biết được lỗi lầm, thấy được cái sai, họ khao khát được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình và xã hội. “Tôi rất sợ khi ra trại, gia đình và xã hội sẽ xa lánh. Tôi hy vọng mọi người hãy cho chúng tôi, những người từng lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời, sống tốt”, anh Lương mong muốn.
Cần một cái danh…
Mặc dù cũng phải đứng lớp, chuẩn bị giáo án, giảng dạy HV, phạm nhân như những người thầy. Thế nhưng, cán bộ Đội Giáo dục hồ sơ, cán bộ Phòng Giáo dục tại TT lại không có những chính sách như các thầy cô giáo. Sắp đến 20-11, những người được gọi là “thầy cô” nơi đây chỉ âm thầm chúc mừng nhau để nhớ đến Ngày tri ân. Thiếu tá Đinh Phú Quốc, Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ tâm sự, theo quy định, cán bộ vừa giáo dục đạo đức nhân cách, văn hóa, nghề cho phạm nhân, trong tương lai sẽ được xét Nhà giáo ưu tú. Thế nhưng, cán bộ quản giáo, giáo dục trong trại giam vẫn chưa có chế độ đãi ngộ giống như một giáo viên bình thường. Lãnh đạo trại giam đã trình xin chế độ từ Bộ Công an nhưng vẫn chưa trả lời. Những người thầy quản giáo, giáo dục luôn nghĩ, kết quả tốt nhất, hạnh phúc nhất dành cho họ là khi phạm nhân ra khỏi trại, hướng thiện và làm lại cuộc đời. Đó là phần thưởng cao quý không gì so sánh được của những người làm công tác giáo dục trong trại.
Không chờ được cái danh “thầy cô” mới giáo dục HV. Các cán bộ ở TT tỉnh đến với nghề từ cái tâm với nghề. Do đó, 7 cán bộ làm công tác giảng dạy tại TT luôn nỗ lực để hoàn thành tốt vai trò của mình. “Chúng tôi không mong có được chính sách như những thầy cô giáo. Tuy nhiên, nếu được cũng sẽ là niềm động viên an ủi cho những “người thầy” nơi đây”, anh Nguyễn Minh Vương, cán bộ TT nói.
Chia tay với các cán bộ TT tỉnh và trại giam, trên con đường trở về, chúng tôi thầm nể phục những người thầy, những “kỹ sư tâm hồn”. Họ không ngại khó khăn, thử thách để “tìm lại” tương lai cho những mảnh đời lạc lối. Thiết nghĩ, họ cũng cần một cái danh để ngày 20-11 hàng năm, họ được nhắc đến như người “đưa đò”, đưa những người lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội.
T.LÝ - Đ.TUÂN