Bác đề nghị cho Tổng Giám đốc IMF được tại ngoại

Cập nhật: 17-05-2011 | 00:00:00

Thẩm phán New York đã ra lệnh bắt giam Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Diminique Strauss-Kahn, từ chối đề nghị xin tại ngoại của ông này với 1 triệu USD tiền bảo lãnh, giữa lúc châu Âu lo ngại tác hại từ vụ Tổng Giám đốc IMF bị buộc tội.

 

>> Giám đốc IMF tiếp tục bị “tố” tấn công tình dục

Luật sư của ông Dominique Strauss-Kahn hôm qua đã đề nghị đóng 1 triệu USD tiền bảo lãnh, giao nộp hộ chiếu cho nhà chức trách, và cam kết sẽ ở lại nhà con gái ông tại New York nếu được cho tại ngoại.

 

 Ông Dominique Strauss-Kahn bị nghi sẽ bỏ trốn.

Tuy nhiên, Thẩm phán New York, bà Melissa Jackson hôm qua đã thông báo quyết định trên do nghi ngờ ông Dominique Strauss-Kahn sẽ bỏ trốn. Bà Jackson đã nêu ra tình tiết ông Strauss-Kahn bị bắt khi máy bay sắp cất cánh từ New York đi Paris để từ chối tạm trả tự do cho ông.

 

Như vậy, hai ngày sau khi bị bắt với cáo buộc cưỡng bức tình dục, ông Strauss-Kahn sẽ phải tiếp tục bị tạm giam chờ đến phiên xử ngày 20-5 tới.

 

Tổng giám đốc IMF bị bắt tối 14-5 với tố cáo của một phụ nữ da đen gốc Phi 32 tuổi, là nhân viên dọn phòng khách sạn Sofitel ở New York.

 

Ông bị cáo buộc 7 tội danh, trong đó có các tội cưỡng bức tình dục, mưu toan cưỡng hiếp, giữ người trái phép. Luật sư của ông Strauss-Kahn cho biết thân chủ ông đã bác bỏ toàn bộ những lời cáo buộc.

 

Ngày 20-5 tới, một bồi thẩm đoàn từ 16-23 người sẽ họp kín để nghe xem xét các chứng cứ, không có sự hiện diện của thẩm phán. Nếu các hội thẩm nhân dân tuyên bố có tội, ông sẽ bị đưa ra Tòa án New York và tòa sẽ chính thức ra lệnh truy tố.

 

Với những cáo buộc trên, tổng cộng theo luật Mỹ, ông Strauss-Kahn có thể phải đối mặt với bản án trên 74 năm tù.

 

Những ảnh hưởng

 

Báo chí châu Âu đều đưa ra hai nhận định về ảnh hưởng của vụ ông Dominique Strauss-Kahn: Đảng Xã Hội đối lập tại Pháp mất đi một ứng viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, và việc giải quyết khủng hoảng nợ tại châu Âu có thể gặp khó khăn do có sự thay đổi lãnh đạo IMF.

 

Đối với riêng châu Âu, vụ bê bối của ông Diminique Strauss-Kahn đã gây ra những lo ngại vào lúc khu vực đồng tiền euro đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, đặc biệt là truờng hợp khó khăn của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

 

Vụ việc xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất đối với châu Âu, khi IMF và châu Âu đang chuẩn bị một chương trình cho Bồ Đào Nha vay 78 tỷ euro và một kế hoạch thứ hai, tiếp tục giúp đỡ Hy Lạp cho giai đoạn sau 2012.

 

Trong các kế hoạch của châu Âu giúp Hy Lạp 110 tỷ euro, Ireland 85 tỷ và sắp tới là Bồ Đào Nha, phần đóng góp của IMF lên tới 1/3.

 

Theo giới chuyên gia, từ một năm rưỡi qua, trên cương vị Tổng Giám đốc IMF, ông Dominique Strauss-Kahn đã đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc thương lượng để cứu khu vực đồng euro.

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=326
Quay lên trên