Bác Hồ - một tình yêu bao la… Bài 4

Cập nhật: 14-05-2015 | 08:45:21

Bài 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới

Sự tôn vinh của UNESCO đã khẳng định những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và cho thế giới. Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời Người không ngừng sáng tạo văn hóa. Văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành trong cái nôi văn hóa dân tộc, nhất là trong quá trình Người ra đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Quá trình này nằm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam có sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa nhân loại.

Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đã chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới.

Bác Hồ không chỉ là một nhà chính trị, anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là một người có tầm nhìn văn hóa sâu rộng. Ảnh: TƯ LIỆU

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là danh nhân văn hóa thế giới đã góp phần không chỉ tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới mà còn tạo ra một nền văn hóa mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của văn hóa nhân loại. Nhà thơ Xô Viết Ôxip Mandextam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương…”. Thông qua những năm tháng hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây gắn kết với tinh hoa văn hóa phương Đông, trong đó đặc biệt là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cùng những giá trị tiến bộ của văn hóa Nho giáo, Phật giáo…, phát triển những giá trị văn hóa mới - văn hóa Hồ Chí Minh. Đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa không chỉ ở phương diện lý luận mà còn tỏa sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân, “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hồ Chí Minh quan niệm: Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đó là một nhân sinh quan, triết lý sống rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Nhà thơ Xô Viết Ôxip Mandextam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương…”.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã chiến đấu chống áp bức, bất công, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc và còn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong những giá trị trường tồn có di sản tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đó là về chủ nghĩa yêu nước; về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; về xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; về đại đoàn kết toàn dân tộc; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ, năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Nghị quyết khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Những tư tưởng của Người là hiện thân cho những khát vọng của các dân tộc có mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau…

Đại hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên “cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”.

 Với lòng tự hào và biết ơn vô hạn, năm nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tổ chức kỷ niệm lần thứ 125 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2015), người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. Người đã cống hiến trọn cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng của Người là ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc giải phóng dân tộc trước đây, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Cuộc đời và sự nghiệp cao đẹp của Người mãi mãi là niềm tự hào, được các thế hệ người Việt Nam tôn kính, ngưỡng mộ, học tập và làm theo.

 

Kỳ 5: Tháng 5 về thăm quê Người

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1471
Quay lên trên