LTS: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2015), phóng viên Văn nghệ - Giải trí Báo Bình Dương đã thực hiện chuyên đề “Bác Hồ - Nguồn cảm hứng sáng tác bất tận!”. Cuộc đời Bác là tấm gương lớn về nhân cách, về nghệ thuật và vì thế, các văn nghệ sĩ đã sáng tác về Bác bằng cả một tình yêu bao la, sự trân trọng, kính yêu vô bờ. Xin giới thiệu với bạn đọc chuyên đề này…
Bài 1: Một tình yêu bao la…
Có những câu hát nhẹ nhàng thôi mà lột tả hết tính cách nhân hậu của Bác: Bác thương những cụ già, xuân về gửi biếu lụa/ Bác yêu đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà/ Bác thương Đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng/ Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương… Nhiều người đã khóc khi nghe những câu này của cố nhạc sĩ (NS) người miền Trung - Thuận Yến! (ảnh)
Nhớ có lần trò chuyện với các văn nghệ sĩ về những người viết hay, có cảm xúc nhất dành cho Bác, NS Nguyễn Văn Tý cho biết, cố NS Thuận Yến với bài “Bác Hồ, một tình yêu bao la” là người có nhiều bài hát về Bác rất cảm động. Với tình yêu chân thành và lòng ngưỡng mộ sâu sắc mới viết được những câu như thế! Cố NS Thuận Yến, tên thật là Đoàn Hữu Công, ông sinh năm 1932 tại Quảng Nam, mất năm 2014 tại Hà Nội. Ông nổi tiếng với những ca khúc kháng chiến và sau này là những tình khúc trữ tình khi đất nước thống nhất. Nhắc đến cố NS Thuận Yến người ta nhớ ngay đến “Chia tay hoàng hôn”! Ông có đến 26 bài và hiện “giữ kỷ lục” viết về Bác nhiều nhất. Ngoài bài “Bác Hồ, một tình yêu bao la” ông còn có các bài như: “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”, “Miền Nam trong tim Bác”…
Trong 5 ca khúc tiêu biểu của cố NS Thuận Yến được giải thưởng Nhà nước năm 2001 đã có 2 bài hát nổi tiếng về Bác Hồ. Đó là Bác Hồ - một tình yêu bao la và Miền Trung nhớ Bác. Cố NS Thuận Yến từng tâm sự với bạn bè rằng, ông viết về Bác hay là bởi được gặp và biểu diễn văn nghệ cho Bác xem. “Và thật xúc động khi được vào biểu diễn để Bác xem. Tôi nhớ như in hôm ấy Bác đã nói với chúng tôi; các cháu nhớ về nói với đồng bào Trị Thiên, đồng bào miền Nam, Bác rất muốn vào thăm đồng bào, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép, khi đất nước hòa bình Bác sẽ vào ngay Huế để thăm lại đồng bào, đồng chí... Tuy Bác không nói hết, nhưng chúng tôi hiểu Bác rất nhớ về một vùng đất đã gắn liền với thời thơ ấu của Người! Chúng tôi trở lại chiến trường với những kỷ niệm, hình ảnh và lời căn dặn không thể nào quên của Bác. Đó là niềm tin và tình yêu vô bờ bến với Người” (Thuận Yến). Nhạc sĩ còn cho biết, ông viết về Bác khá sớm nhưng phải 11 năm sau, sau khi Bác mất 10 năm - năm 1979 mới viết tiếp thành công bài “Bác Hồ một tình yêu bao la”…
Bác Hồ - một lãnh tụ lớn, khi viết về Người ai cũng sử dụng giai điệu trang trọng, cung kính. Nhưng cố NS Thuận Yến vẫn muốn viết Bác với một cách diễn đạt gần gũi, tình cảm hơn, đời thường hơn. Đúng như mong muốn của ông, giai điệu ấy đã thực sự đi vào lòng người thật tự nhiên như những bài dân ca vốn đã quen thuộc bao đời. Bài hát “Bác Hồ, một tình yêu bao la” được nhiều ca sĩ thể hiện thành công như Thanh Hoa, Thu Hiền, Trang Nhung… Và, 36 năm qua, mỗi lần nghe lại bài này vẫn dâng lên một cảm xúc đặc biệt, tự hào về Bác…
Cố NS Thuận Yến có sự nghiệp sáng tác đồ sộ với hơn 500 ca khúc. Cố NS Thuận Yến từng giữ chức Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi nghỉ hưu, ông đã được phong quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông cũng vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước - một giải thưởng cao quý vào năm 2001.
Bài 2: Tấm lòng với Bác qua âm nhạc
QUỲNH NHƯ