Bác Hồ - Nguồn cảm hứng sáng tác bất tận! - Bài 4

Cập nhật: 15-05-2015 | 10:07:05

Bài 4: Họa sĩ Nguyễn Văn Quý và tác phẩm “Làm theo lời Bác”

Anh làm kinh tế, nhưng “duyên nợ” với nghệ thuật cũng nhiều lắm nên cứ tiếp tục học mỹ thuật và sáng tác. Với anh, Bác Hồ vừa là nguồn cảm hứng sáng tác, vừa là tấm gương đạo đức để anh luôn noi theo…

Tác phẩm “Làm theo lời Bác” của họa sĩ Nguyễn Văn Quý

Tác phẩm “Làm theo lời Bác” của họa sĩ Nguyễn Văn Quý

Gặp họa sĩ Nguyễn Văn Quý, điều mà nhiều người nhận xét là sự tự nhiên, thoải mái và dễ gần gũi trong cách nói chuyện của anh. Anh hiện là Phó phòng Đầu tư của Công ty Lâm sản và XNK Tổng hợp Bình Dương (Genimex), nhưng vẫn miệt mài sáng tác. Anh vẽ tranh những lúc rảnh, dịp cuối tuần hay dịp lễ. Những dịp Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác, anh cũng tranh thủ sắp xếp công việc để cùng tham gia. “Mới đi Nha Trang cùng dự trại sáng tác vẽ về biển đảo nè em” - anh chia sẻ với một vẻ mặt hớn hở khi được sống với niềm đam mê của mình.

Trong dịp tổng kết và trao giải các tác phẩm đoạt giải cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vừa qua, họa sĩ Nguyễn Văn Quý có tác phẩm “Làm theo lời Bác” được chọn trao giải thưởng cấp tỉnh. Tác phẩm là bức tranh sơn mài 1,1x1,4m. Bức tranh đặc tả về các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo quê hương. Hình ảnh Bác Hồ được vẽ trang trọng với nét hiền từ. Bức tranh còn có những cánh chim hòa bình như mong ước lớn nhất của Bác là đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Họa sĩ Nguyễn Văn Quý cho biết, đó là 1 trong 7 tác phẩm anh vẽ về Bác Hồ. Thường là anh vẽ chân dung, cảnh Bác Hồ với chiến sĩ, Bác Hồ với thiếu nhi… Có thể kể đến những tác phẩm anh ưng ý như: Một huyền thoại, Niềm lạc quan, Ơn bác… Những bức tranh đều nói lên sự kính yêu của người dân đối với Bác cũng như lồng vào đó là tình cảm, niềm cảm xúc sáng tác về Bác của tác giả.

Về bản thân mình, họa sĩ Nguyễn Văn Quý nói rằng, anh học tập Bác ở điểm luôn biết vượt khó và không ngừng học tập. Thế nên, dù công việc bận rộn đến đâu, anh cũng sắp xếp thời gian để đi học. Năm 1979-1983, anh học và tốt nghiệp trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Năm 1998- 2003, anh theo học và lấy bằng tốt nghiệp đại học ở TP.HCM. Năm 2007-2010, anh lại theo học lớp Cao học Mỹ thuật và lấy bằng thạc sĩ. Rất yêu quý và gắn bó với quê hương Bình Dương nên đề tài thạc sĩ của anh cũng gắn với làng tranh sơn mài Tương Bình Hiệp: “Phát huy nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương”. Năm 2012, niềm vui đến với anh khi được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh hiện là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Dương. Chi hội gồm có 21 họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Theo họa sĩ Nguyễn Văn Quý, Bình Dương hiện có Chi hội Mỹ thuật Việt Nam đông nhất các tỉnh, thành Đông Nam bộ.

Là một đảng viên nên họa sĩ Nguyễn Văn Quý cũng cho rằng, học tập và làm theo lời Bác đã trở thành cái nếp tự rèn luyện bản thân. Những bài học về Bác rất giản dị, gần gũi mà ai cũng nên học theo để bản thân tiến bộ hơn. Không ngừng đam mê sáng tác nên anh vẫn tranh thủ vẽ mọi lúc và viết bài liên quan đến mỹ thuật. “Vẽ, viết về bộ môn mình yêu thích và giao lưu, sinh hoạt với anh em trong hội là cách để mình… cân bằng cuộc sống quá chộn rộn này”, họa sĩ Nguyễn Văn Quý chia sẻ.

Bài 5: Vinh dự từ một bức ảnh tình cờ…

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=942
Quay lên trên