Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

Cập nhật: 25-06-2014 | 11:23:18

Ngày 5-6-1911, trên con tàu  Latútsơ Tơrevin, từ Bến cảng Nhà Rồng, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) - người con xứ Nghệ, mới 21 tuổi đã quyết định rời Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước, bởi trong anh đang nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

 Bến cảng Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Trước tình cảnh ấy, nhân dân ta đã phát huy truyền thống yêu nước từ bao đời để lại đứng dậy tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai giành độc lập, tự do cho nhân dân nhưng đều thất bại. Nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã xuất dương tìm đường cứu nước nhưng vẫn không tìm ra được một con đường mang lại hiệu quả đích thực.

Trước thực tế ấy, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, người con xứ Nghệ, mới 21 tuổi đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, bởi trong anh đang nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Ngày 5-6-1911, trên con tàu  Latútsơ Tơrevin, từ Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước.

Thế là Nguyễn Tất Thành đã bước vào con đường lao động đầy vất vả với bao công việc khó khăn, nặng nhọc để kiếm sống và học tập, để thâm nhập vào phong trào công nhân và lao động các nước, từ tàu buôn Pháp, qua tàu buôn Mỹ, cạo tuyết thuê cho một trường học rồi phục vụ trong một khách sạn ở Anh.

Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Pháp anh đã phát hiện ra rằng: ở đây có nhiều người Pháp nghèo khổ. Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi “khai hóa chúng ta”.

Còn trên đất Mỹ khi anh tranh thủ đến thăm tượng thần Tự Do anh đã ghi cảm tưởng: “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người đấu tranh da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới”?.

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Bắt đầu từ đây anh có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà văn hóa, trí thức, tham gia các cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi.

Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp, khi được hỏi vì sao vào Đảng, anh trả lời: “Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.

Ngày 18-6-1919, thay mặt “Hội những người Việt Nam yêu nước” tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi đến Hội nghị Vécxây bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp thừa nhận quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Dưới bản yêu sách Nguyễn Tất Thành ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện.

Năm 1920, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được đọc bản sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào.

Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Từ ngày 25 đến ngày 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội tại thành phố Tua (Pháp) với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương.

Tại đại hội này, cùng những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia quốc tế III - Quốc tế cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời

sống cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta.

Nếu như cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc tại hội nghị Vécxây năm 1919 mới là phát pháo hiệu thức tỉnh nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, thì việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đã đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin.

40 năm sau nhìn lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”.

Cũng từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Sau 30 năm tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành lại chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và dân chủ.

Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

H.D (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=11291
Quay lên trên