Cách nay 81 năm, ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ (ngày 28-1-1941), Bác Hồ về nước qua cột mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Người về, đất nước bừng sáng những hy vọng về những mùa xuân độc lập, tự do. Và mùa xuân ấy, mùa xuân năm 1941 là mùa xuân diệu kỳ của dân tộc.
Mùa xuân ấy, mùa xuân kỳ diệu!
Vượt qua tuyến đường dốc núi gần 1km, với khoảng 1 giờ đi bộ, chúng tôi đặt chân đến cột mốc 108, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Giữa cảnh trời bao la, hùng vĩ của núi rừng Cao Bằng, cột mốc 108 phủ rêu phong, in hằn màu thời gian như nhắc nhở chúng tôi niềm tự hào về sự kiện quan trọng của dân tộc: Bác Hồ kính yêu về nước.
Bàn đá tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Cao Bằng, nơi Bác Hồ làm việc trong khoảng thời gian từ 1941-1945, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam
Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Qua thời gian nghiên cứu, Người chọn Cao Bằng là nơi đặt chân về nước. Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Bởi, Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, có đường biên giới với Trung Quốc dài 333 km, vừa có đường bộ, đường thủy sang Trung Quốc nên thuận lợi cho giao thông liên lạc; có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên… Từ Cao Bằng, khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên và “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang cũng như các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ...
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của hàng chục vạn đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Lô Lô, Hoa… Các dân tộc luôn đoàn kết gắn bó với nhau, một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Với nhận định đúng đắn đó, ngày 28-1-1941 (ngày mùng hai tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 biên giới Việt - Trung về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh Già Thu) đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.
Chỉ 4 tháng sau khi về nước (từ ngày 10-5 đến 19-5-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa I) của Đảng tại Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Dưới sự chủ trì của Người, hội nghị đã kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó, kiện toàn các cấp bộ Đảng từ Xứ ủy đến các cấp bộ Đảng ở các địa phương - đây là nhân tố hàng đầu quyết định đường hướng của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này.
Núi rừng còn in bóng người
Trong chuyến công tác các tỉnh miền núi phía Bắc, đến mỗi địa phương, mỗi địa điểm lịch sử, chúng tôi lại được nghe những câu chuyện xúc động về Bác Hồ, ông Ké, già Thu. Dù Người đã đi xa, nhưng hình ảnh của Người vẫn còn in đậm nơi núi rừng và trong lòng đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Hình ảnh của Người là hình ảnh của tinh thần đoàn kết và niềm tin tất thắng.
Trong căn nhà sàn vững chãi do Chính phủ xây tặng của ông Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi cùng quây quần để nghe ông kể chuyện được gặp Bác Hồ. Nhấp ly nước chè xanh mát, hướng về Cây đa Tân Trào, đôi mắt ông sáng rực nhớ lại những ký ức khi ông mới chỉ 6 - 7 tuổi. Ông bảo, tất cả người dân trong làng chỉ biết có một ông Ké và nhiều cán bộ về đây hoạt động cách mạng. Bố của ông Ngọc là ông Hoàng Trung Nguyên, làm liên lạc đặc biệt cho ông Ké, vì vậy ông có dịp nhiều lần được thấy Bác Hồ. Trong một lần đang chơi quay cùng bạn, thấy ông Ké đến gần và hỏi: “Các cháu đang làm gì? Có được đi học không?”. Ông Ngọc trả lời: “Không ạ!”. Ông Ké nhìn các cháu trìu mến và nói: “Sau này có trường, lớp các cháu phải chăm ngoan, học tốt nhé...”. Một thời gian sau, ông Ngọc mới biết ông Ké chính là Bác Hồ, ông càng xúc động với tình cảm của Bác dành cho đồng bào nơi đây. Ông cảm thấy vinh dự và tự hào vì được gặp Bác và nguyện một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ...
Ngược lên vùng đất Chiêm Hóa, Tuyên Quang, chúng tôi may mắn được gặp ông Ma Quang Ngân, thôn Kim Quang, xã Kim Bình và được ông kể cho nghe về lần được gặp Bác Hồ tại Đại hội II của Đảng. Ông kể, vào những năm 1950-1951, khi đó ông còn là dân quân của xã. Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đại hội, từ cuối năm 1950 các cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc, bộ đội và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã tập trung xây dựng khu vực đại hội với phương châm chu đáo, an toàn, bí mật. Ông Ngân không biết là sẽ diễn ra sự kiện lớn của Đảng nơi đây mà chỉ biết đi lấy tre, nứa về dựng nhà theo chỉ dẫn của cán bộ. Sau khi hoàn thành, ông Ngân được rút ra ngoài làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, cách hội trường đại hội hơn 1km. Trong lúc đứng gác, ông thấy một ông già cưỡi ngựa cùng với một người khác qua suối, ông đề nghị dừng lại hỏi giấy tờ. Ông già chỉ vào người đi cùng xuất trình giấy tờ. Ông Ngân không biết đó là Bác Hồ, khi ông già đi qua rồi, mọi người mới bảo đấy là Hồ Chủ tịch. Chỉ một lần duy nhất thấy Bác Hồ nhưng với ông Ngân, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong suốt cuộc đời...
Sự kiện Bác Hồ về nước cách nay 81 năm là dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ mùa xuân diệu kỳ ấy, theo bước chân Người, cả dân tộc bước vào cuộc chuyển động lớn lao để giành lấy những mùa xuân tự do, độc lập, thống nhất và những mùa xuân hạnh phúc cho dân tộc...
CAO SƠN