Chiến tranh đã đi qua 35 năm, những con người ngày xưa ở 2 đầu chiến tuyến giờ ngồi lại cùng nhau nói chuyện thơ ca, chuyện văn chương.
Thế mới biết, văn học luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu, nó giúp con người ta xóa đi những mặc cảm, sự hận thù...Và để có được cuộc hội ngộ ngày hôm nay, những nhà văn Việt - Mỹ đã phải đi cả chặng đường dài, trong suốt 20 năm qua...
Đến với nhau bởi những câu thơ đẹp
Năm 1989, người đi tiên phong trong việc mang văn chương Việt Nam đến Mỹ là nhà văn Lê Lựu. Khi ấy, ông đi theo lời mời của Trung tâm William Joiner (Trung tâm nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh chủ yếu thông qua văn học, nghệ thuật) của trường Đại học Massachusetts. Nơi đây tập hợp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Mỹ và bản thân họ chính là những cựu chiến binh đã từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam.
Kevin Bowen – Giám đốc Trung tâm William Joiner kể lại rằng, lần đầu tiên ông gặp nhà văn Lê Lựu là tại TP.HCM. Khi ấy, cùng với một vài cựu binh khác, ông và các nhà văn Việt Nam đã ôn lại những câu chuyện về cuộc chiến. Linh tính của một người lính, của một nhà thơ đã mách bảo ông rằng, chính Lê Lựu sẽ là người góp phần giúp ông hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai dân tộc bằng văn học. Rồi, Lê Lựu đến Mỹ, đó là một chuyến đi gian nan…
Kevin Bowen – Giám đốc Trung tâm William Joiner và nhà văn Đỗ Chu.
Sau Lê Lựu, qua Trung tâm William Joiner, đã có rất nhiều các nhà văn, nhà thơ, dịch giả của Việt Nam đến Mỹ, tìm hiểu và khám phá nền văn học Mỹ. Cũng chính những nhà văn này là những sứ giả giới thiệu văn học Việt Nam đến với công chúng Mỹ.
Từ đó, các dự án quảng bá văn học Việt Nam bắt đầu được trung tâm thúc đẩy. Bruce Weigl cùng với một sinh viên người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh, đã bắt tay vào nghiên cứu những tập tài liệu phía Mỹ thu được sau mỗi trận đánh.
Từ những cuốn nhật ký, những cuốn sổ ghi chép của chiến sĩ giải phóng, bộ đội và du kích Việt Nam mà quân đội Mỹ thu được mang về nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ của Trung tâm William Joiner đã phát hiện có rất nhiều thơ được bộ đội và du kích Việt Nam chép trong sổ tay chiến trường. Ở đó không có hình bóng của chiến tranh hay hận thù. Ở đó chỉ có những cảm xúc về tình yêu,nỗi nhớ thương gia đình. Ở đó có cả những hy vọng về một ngày chiến tranh chấm dứt.
Những bài thơ trong hành trang mà những người lính bộ đội Việt Nam luôn mang theo bên mình là thứ không hề có trong hành trang của quân đội Mỹ. Trung tâm đã quyết định chọn, dịch và xuất bản tập thơ với tên gọi Thơ rút từ những tài liệu bị bắt giữ. Đó chỉ là những bài thơ rất bình thường được viết lên từ cảm xúc rất thật của những người lính.
Nhưng chính nó đã khiến bạn đọc Mỹ thấy được tâm hồn của những người lính bộ đội Việt Nam, sức mạnh tinh thần để người Việt Nam đi qua chiến tranh, bom đạn và mang khát vọng hòa bình của nhân loại.
Sau tập thơ đó, một số tác phẩm nổi tiếng khác của Việt Nam đã được dịch và giới thiệu trên đất Mỹ, như tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu, thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh...
Một tập thơ khác cũng rất nổi tiếng mang tên Sông núi và tác phẩm phản ánh về cuộc chiến là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã được xuất bản tới Mỹ. Những tác phẩm này khi được dịch và giới thiệu với công chúng Mỹ đã được đón nhận một cách nồng nhiệt.
Tấu lên bản hợp xướng hòa bình và lòng nhân ái
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, việc giới thiệu văn học Việt Nam với nước Mỹ là một hướng đi gần. Trong tương lai, chúng ta cần dịch, giới thiệu nhiều hơn nữa, những tác phẩm thơ, văn, truyện ngắn, tiểu luận...
Cũng như các bạn văn chương khác, ông không đợi chờ nhiều tính chất khoa học ở hội thảo mà quan trọng là sự gặp gỡ, là dịp các nhà văn hai nước cùng ngồi lại với nhau. Những người ngày xưa trong cuộc chiến đối với nhau một mất một còn, nhưng giờ đây họ ngồi với nhau, có thể gọi một món ăn, trong một không khí ấm áp...
Cùng tâm trạng này, Kevin Bowen cũng không nén nổi xúc động, sự hân hoan khi trở lại Việt Nam cùng bạn bè mình. Ông cho biết, ông đã có những cảm xúc đẹp về đất nước Việt Nam ngay từ khi bước chân tới đây, càng liên hệ, càng gặp nhiều người Việt thì ông như cảm thấy hạnh phúc hơn.
Là một nhà thơ nên ông Kevin Bowen đã học tiếng Việt, học ngôn ngữ dân tộc Việt Nam qua thơ. Không chỉ yêu thích ca dao mà ông đã đưa ngôn ngữ ca dao Việt Nam vào trong các tác phẩm của mình. Nhiều nhà văn Mỹ trong tham luận của mình đều nói rằng họ mắc nợ dân tộc Việt Nam và chính cuộc gặp gỡ này đã giúp họ cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Nói như nhà văn Văn Giá, chiến tranh đã đi qua quãng thời gian 35 năm, nhưng để hóa giải tâm lý hậu chiến, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai giữa những người Việt và người Việt, người Việt với người Mỹ, cho tới nay dẫu đã làm được không ít việc, nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Có điều chắc chắn rằng, việc làm này sẽ đơm hoa kết trái nếu như tất cả những văn nghệ sĩ, trí thức của cả hai đất nước Việt Nam - Hoa Kỳ cùng biết dốc lòng vun trồng cho công cuộc hóa giải bằng sự hòa hợp và yêu thương.
Hội thảo “Về văn học Việt – Mỹ sau chiến tranh” được tổ chức tại Hòa Bình và Hà Nội (từ 28-5 đến ngày 3-6), với sự tham gia của nhiều tác giả tên tuổi của Việt Nam, Mỹ. Đây là chương trình được thực hiện theo sáng kiến của một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam và Mỹ, Trường Đại học Văn hóa phối hợp với trường Đại học Massachusetts mà nòng cốt là Khoa Sáng tác và Lý luận - phê bình văn học và Trung tâm William Joiner (WJC). Ngày 1-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp các nhà văn Mỹ thuộc Trung tâm William Joiner.
(THEO SGGP)