Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó giám đốc Sở y tế: Bình Dương chưa ghi nhận ca bệnh nào nhiễm Whitmore

Cập nhật: 19-09-2019 | 08:12:02

 Những ngày qua, thông tin trên mạng cho rằng tại một số địa phương đã ghi nhận một số bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore làm cho người dân lo lắng. Nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin chính xác về căn bệnh này như thế nào, có lây truyền từ người sang người không và các biện pháp phòng chống... phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Thanh Hà (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế.

 - Thưa bác sĩ, điều mà người dân quan tâm hiện nay đó là bệnh Whitmore, xin bác sĩ nói rõ về bệnh này?

- Bệnh Whitmore (Melioidosis) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính. Bệnh Whitmore ghi nhận số mắc nhiều tại Úc, Đông Bắc Thái Lan. Tại khu vực Đông Nam Á, các nước Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào và Việt Nam cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh Whitmore. Ngoài ra còn ghi nhận tại bán lục địa Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và một số quốc gia khu vực châu Mỹ. Tại Việt Nam, bệnh Whitmore được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP.HồChí Minh, sau đó là Hà Nội, Huế.

Hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh Whitmore tại Việt Nam. Sau nhiều năm bị “lãng quên”, trong thời gian gần đây tại một số địa phương đã ghi nhận có ca bệnh nhiễm Whitmore. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa ghi nhận ca bệnh nào nhiễm Whitmore.

- Liên quan đến bệnh này, nhiều người gọi đó là bệnh do “vi khuẩn ăn thịt người” gây ra. Tên gọi “vi khuẩn ăn thịt người” như thế có đúng không, thưa bác sĩ?

- Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HồChí Minh), “vi khuẩn ăn thịt người” đã được bàn luận trong y khoa nhưng hoàn toàn không phải là loại vi khuẩn gây ra căn bệnh gây hoang mang dư luận thời gian qua. Vi khuẩn này tiết ra hai độc tố gây “thối rữa thịt” và có tên gọi Aeromonas hydrophila.

Còn bệnh có tên Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) mà người dân thắc mắc và hoang mang thời gian qua là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh này không phải mới được phát hiện gần đây mà đã được ghi nhận từ lâu. Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là “ăn thịt người”. Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em.

- Thưa bác sĩ, bệnh thường gặp trong những trường hợp nào và làm sao để nhận biết một người mắc bệnh Whitmore?

- Bệnh Whitmore khó lây truyền trực tiếp từ người sang người, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường diễn tiến nặng và có tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh Whitmore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ. Tuy nhiên, những người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với bùn, đất, nước thường gặp nhiều hơn. Whitmore thường ẩn trong bùn, đất và xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở. Bệnh Whitmore dễ mắc ở những người có các bệnh mãn tính, như: Đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch...

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng, như: Sốt (các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài), suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

- Vậy, người dân cần làm gì để phòng bệnh Whitmore, thưa bác sĩ?

- Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Whitmore thường ẩn trong bùn, đất vì thế khá khó khăn trong việc phòng tránh căn bệnh này nếu người dân không mang bảo hộ lao động đầy đủ.

Do đó, để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Và điều cần hết sức lưu ý là khi nghi ngờnhiễm bệnh Whitmore cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1190
Quay lên trên