Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu
Bánh trung thu (BTT) đang sôi động trên thị trường với đa dạng mẫu mã, thương hiệu. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là BTT có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh để làm sao chọn được BTT bảo đảm ATVSTP.
- Xin bác sĩ cho biết, đến thời điểm này vấn đề ATVSTP của BTT có được bảo đảm?
- Hiện tại ở Bình Dương, BTT bày bán chủ yếu của các thương hiệu nổi tiếng như Bibica, Kinh Đô, Như Lan, Song Long Đồng Khánh... còn BTT sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình vẫn chưa xuất hiện. Những cơ sở này đều có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm (GCNTCSP). Tuy nhiên, vấn đề ATVSTP vẫn đáng lo. Nguyên nhân là do nhiều nơi bày bán trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh, người bán chưa được tập huấn ATVSTP, nhiều điểm kinh doanh BTT nhưng chưa có GCNTCSP của cơ sở sản xuất (CSSX). Thực tế Tết Trung thu (TTT) năm 2009, đoàn kiểm tra đã tịch thu BTT của một số đại lý do không có GCNTCSP.
- Thưa bác sĩ, tình hình thanh, kiểm tra BTT năm 2010 đã được triển khai như thế nào?
- Để bảo đảm ATVSTP bánh mứt, kẹo phục vụ TTT, chúng tôi đã thành lập Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Y tế, Chi cục ATVSTP, Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Tiêu chuẩn và Đo lường Chất lượng tiến hành kiểm tra các CSSX, kinh doanh các loại bánh mứt, kẹo phục vụ TTT. Cụ thể, từ ngày 7-9, đoàn sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các CSSX và đại lý lớn trên địa bàn. Tuy nhiên trước đó, chi cục đã tiến hành kiểm tra các CSSX trên địa bàn tỉnh để cấp GCNTCSP cho các CSSX đủ tiêu chuẩn.
Ngoài ra, ngay từ giữa tháng 8, chi cục đã gửi công văn chỉ đạo xuống Phòng y tế và Trung tâm y tế các huyện, thị về việc xây dựng kế hoạch kiểm tra các CSSX và kinh doanh BTT trên địa bàn.
- Nội dung thanh, kiểm tra là gì, thưa bác sĩ?
- Nội dung kiểm tra gồm: Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, điều kiện vệ sinh của CSSX, kinh doanh... Đồng thời lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra lượng đường hóa học, phẩm màu, chất bảo quản, nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng.
- Chi cục có kiểm tra được nguồn nguyên liệu của các CSSX?
- Để được cấp GCNTCSP, các cơ sở sẽ gửi mẫu lên chi cục để phân tích; đồng thời chúng ta sẽ cử người xuống tận cơ sở để kiểm tra. Theo đó, chúng tôi đã kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào. Điều đáng mừng là các CSSX lớn trên địa bàn đều có hợp đồng, hóa đơn cung cấp nguyên liệu nên bảo đảm nguồn nguyên liệu an toàn.
- Hiện nay, nhiều loại BTT có thời hạn sử dụng 2 tháng. BTT có thời hạn sử dụng lâu vậy liệu có bảo đảm ATVSTP không, thưa bác sĩ?
- Sở dĩ BTT có thể để lâu như vậy là vì các CSSX này có sử dụng 2 chất phụ gia là Kali Sorbate “202” và Natri benzoate “201”. Hai chất phụ gia này được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên theo khuyến cáo của y tế thì các chất phụ gia này nên hạn chế dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
- Bác sĩ có thể hướng dẫn để người tiêu dùng lựa chọn được BTT bảo đảm ATVSTP?
- Càng gần đến TTT thì có nhiều CSSX nhỏ lẻ, hộ gia đình tung bánh ra thị trường. Những loại bánh này thường sản xuất “chui”, không bảo đảm điều kiện vệ sinh nên không bảo đảm ATVSTP. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua BTT của những nơi có GCNTCSP. Đặc biệt, đối với BTT thì việc bảo quản tránh hư hỏng cũng rất quan trọng. Người tiêu dùng không nên chọn mua BTT được bày bán ở những nơi không bảo đảm vệ sinh, bánh bị ra mồ hôi, có dấu hiệu hư hỏng, hết hạn sử dụng...
THU THẢO