Với bác sĩ Nguyễn Thị Tư (tên quen thuộc là Tư Ển), ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An thì những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước với nhiệm vụ cứu thương cho thương binh sẽ là những ký ức không bao giờ quên. Gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi tự hào... Ở đó, còn thắm mãi tình đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử...
Bà Tư Ển (bìa phải) cùng các thành viên trong Đội Nữ pháo binh Lái Thiêu năm xưa thăm lại bờ sông Sài Gòn, nơi Đội Nữ pháo binh Lái Thiêu đã từng tham gia chiến đấu
Bộ đội về làng...
Mấy mươi năm trôi qua, nhưng bà Tư Ển vẫn còn nhớ như in cái ngày mà đoàn dân công tuyên truyền về xóm nhỏ của bà ở Thủ Đức biểu diễn, tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia cách mạng. Bà kể: “Hồi đó, đâu cần gì nhiều. Mấy dân công họ hóa trang thành anh bộ đội, cô du kích có súng ống quấn khăn rằn... Thế là thanh niên đăng ký đi bộ đội nườm nượp. Tôi cũng nằm trong số đó...”.
Rồi bà Tư Ển kể, nhà ba của bà là cơ sở cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, khi bà đăng ký đi bộ đội, thì ông Tư Bảo (Bí thư Huyện ủy Dĩ An lúc bấy giờ) tìm xuống tận nhà để vận động gia đình cho bà thoát ly theo cách mạng. Căn cứ Hố Lang (ở phường Tân Bình, TX.Dĩ An), một địa danh gây khiếp sợ cho thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chính là cái nơi đầu tiên mà bà Tư Ển tham gia. Đó là vào năm 1965, khi bà tròn 16 tuổi.
Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, quen cuộc sống ồn ào nơi phố thị, bà về căn cứ với bao lạ lẫm, khó khăn. Bà Tư Ển nhớ lại: “Ngày đó, tuổi 16 còn rất trẻ, lần đầu tiên xa gia đình vào căn cứ không thể tả hết những khó khăn, vất vả đã trải qua. Quen lối sống ở phố xá Thủ Đức nhộn nhịp, nay xung quanh mình toàn là rừng rậm, âm u... Nhưng chính tình thương của đồng chí, đồng đội và niềm tin vào ngày chiến thắng đã giúp tôi vượt lên tất cả, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Bà Nguyễn Thị Tư tại hố bom B52 ở căn cứ Quân y Phân khu 5, Chiến khu Đ,
năm 1974
Về căn cứ, bà được đưa đi học lớp cứu thương 4 tháng, sau đó được điều về Tiểu đoàn 3 Dĩ An (biệt hiệu Tiểu đoàn giải phóng Thủ đô, Trung đoàn Đồng Nai). Đến tháng 6-1966, bà Tư Ển tiếp tục được đưa đi học lớp y tá của Quân y Dĩ An. Từ cuối năm 1966, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, tháng 1-1967, tổ sơ cứu của Bệnh xá Dĩ An được thành lập với 1 y sĩ và 2 y tá, trong đó có bà Tư Ển. Có thể nói đây là giai đoạn rất khó khăn của những người làm công tác quân y như bà. Một năm trời ròng rã xây dựng hầm bí mật rải rác ở các xã An Bình, Tân Đông Hiệp, Đông Hòa... để dự trữ thuốc men phục vụ chiến đấu. Ban đêm, tình hình ổn định mọi người mới được ra ngoài, còn ban ngày thì phải ẩn nấp ở dưới hầm. Bà Tư Ển kể: “Ai đã từng ở hầm bí mật mới hiểu cảm giác này: Ngột ngạt, khó thở, ẩm thấp... Những lúc bị động thì mấy ngày liền phải nằm dưới hầm”.
Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968 và chủ trương: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Bộ Chính trị quyết định: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. Theo đó, đầu năm 1968, để chuẩn bị đón quân chủ lực đánh từ huyện Dĩ An về Sài Gòn, Đội phẫu tiền phương ở Dĩ An được thành lập, bà được phân công về Đội phẫu.
Thời khắc lịch sử đã đến, đêm giao thừa, tiếng súng nổ rền vang. Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 diễn ra ác liệt. Quân ta bị thương nặng rất nhiều nhưng không thể đưa trở ra điều trị. Giờ nhắc lại chuyện cũ, bà Tư Ển vẫn còn xúc động mạnh. Bà Tư Ển bảo: “Lực lượng của ta bị thương mà không tải về được, khi họ về đến Đội phẫu, chúng tôi làm vệ sinh. Anh chị em trong Đội phẫu làm việc cật lực suốt đêm nhưng cũng chưa băng bó hết được cho thương binh”.
Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã gây ra cho đế quốc Mỹ một đòn “choáng váng đột ngột”, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của chúng; làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam Việt Nam mà còn làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc cũng như toàn nước Mỹ. Vì vậy, sau cuộc tổng tiến công, Mỹ chống trả quyết liệt. Đến năm 1969, tình hình chung của chiến trường gặp rất nhiều khó khăn. Địch sử dụng cả quân Mỹ và ngụy tổ chức những cuộc càn quét, đánh phá vào các địa bàn của ta. Chưa hết, địch gom dân vào ấp chiến lược, chúng kìm kẹp gắt gao, ta không liên lạc với dân được cho nên đời sống của bộ đội rất khó khăn, phải đi tìm rau củ để sống qua ngày.
Trong bối cảnh đó, ta chủ trương củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn vùng ven, đánh phá bình định, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương. Lúc này, quân y chỉ được 1 lon bột mì/ngày, nhường gạo cho thương binh ăn cho mau lành vết thương, sớm xuất viện về chiến đấu. Nhưng bà Tư Ển và những đồng chí, đồng đội vẫn bám đất, bám làng, bám căn cứ hoàn thành nhiệm vụ được giao cho đến ngày toàn thắng.
Thắm tình đồng chí
“Lanh lẹ lắm, hết lòng lo cho phong trào” - đó là những gì mà những đồng chí, đồng đội đánh giá về bà Tư Ển. Hiện bà là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nữ kháng chiến TX.Thuận An. Bà Tư Ển, nói: “Ban đầu, mấy chị vận động kêu tham gia CLB Nữ kháng chiến tỉnh, tôi tham gia. Sau đó, mấy chị kêu tôi đứng ra thành lập CLB Nữ kháng chiến TX.Thuận An, tôi cũng làm. Nói thiệt, xưa giờ quen làm chuyên môn, nay già rồi chuyển sang làm phong trào, ban đầu không biết bắt đầu từ đâu nhưng dần dần rồi quen, học từ từ để làm tròn trách nhiệm với đồng đội”.
Điều đáng ghi nhận nhất ở CLB Nữ kháng chiến TX.Thuận An là công tác chăm lo cho hội viên. Bà Tư Ển bảo, có ai ngờ rằng, 42 năm sau ngày đất nước thống nhất, một cán bộ tham gia phong trào địa phương từ khi mới 16 tuổi, rồi thoát ly theo cách mạng mà không có một mảnh giấy lận lưng. Đó là trường hợp của bà Lê Thị Lan ở phường An Thạnh, TX.Thuận An. Bà Lê Thị Lan chứng minh nhân dân không có, hộ khẩu cũng không… Bao nhiêu năm vẫn vật lộn với cơm áo, gạo, tiền. Căn nhà xiêu vẹo, trống trước trống sau mà không kiếm đâu ra tiền để sửa. Thế là mấy chị em phải bắt tay vào cuộc, tất tả làm giấy tờ cho bà Lê Thị Lan. 42 năm sau ngày đất nước thống nhất, bà Lan mới có được những giấy tờ tùy thân cần thiết. Chưa hết, lo giấy tờ xong, các chị trong CLB lại lo tiếp nhà ở cho bà Lan để ổn định chỗ ở.
“Thời bom đạn chị em sống chết có nhau thì nay thời bình, cái nghĩa, cái tình ấy vẫn còn giữ mãi”. Đó là lời tâm sự của bà Tư Ển khi nói về CLB Nữ kháng chiến TX.Thuận An hiện nay. Và, với vai trò Chủ nhiệm CLB, bà vẫn đang hết lòng, hết sức vì sự phát triển và hoạt động để CLB thật sự trở thành “mái nhà chung” ấm áp, nghĩa tình của những nữ kháng chiến...
THU THẢO