Bác về, đất nước đứng lên- Bài 2

Cập nhật: 28-08-2020 | 08:49:23

Bài 2: Suối nguồn cách mạng dâng trào

Ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ (28-1-1941), Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Pác Bó, Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ Việt Bắc, chiếc nôi đầu tiên của cách mạng. Từ đây, suối nguồn cách mạng Việt Nam đã dâng trào mạnh mẽ, cổ vũ, động viên nhân dân, chuẩn bị lực lượng vùng lên giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc.

“Đây suối Lê-nin, kia núi Mác”

Chúng tôi đến Cao Bằng vào những ngày giữa thu, tiết trời mát mẻ. Núi rừng Cao Bằng thinh lặng với một màu xanh ngát đặc trưng của địa hình miền núi. Từ TP.Cao Bằng, không mấy khó khăn chúng tôi đặt chân tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó. Núi Các Mác sừng sững soi bóng xuống dòng suối Lê-nin nước róc rách chảy gợi nhớ trong chúng tôi về câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu: “Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời! Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường”.

Cột mốc 108, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên trở về nước năm 1941. Ảnh: C.SƠN

Bác Hồ chọn Pác Bó để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải sự lựa chọn tình cờ, ngẫu nhiên, mà là một sự tính toán kỹ. Lúc đầu, Người dự kiến về nước theo một hướng khác, nhưng qua nghiên cứu kỹ truyền thống lịch sử, phong trào cách mạng và địa thế của Cao Bằng, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người nhận thấy Cao Bằng là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Cao Bằng là tỉnh miền núi, có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333km, vừa có đường bộ, đường thủy sang Trung Quốc nên thuận lợi cho giao thông liên lạc; có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên… Địa thế Cao Bằng hiểm trở, ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa là địa bàn bọn thực dân Pháp khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên và “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang cũng như các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Cao Bằng hội tụ đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của hàng chục vạn đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Lô Lô, Hoa… Các dân tộc luôn đoàn kết gắn bó với nhau, một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, căn cứ địa Cao Bằng không ngừng được củng cố, mở rộng. Lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ, Cao Bằng tập hợp quần chúng rộng rãi, đoàn kết các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh để đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Đến năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã bước vào giai đoạn kết thúc, phong trào cách mạng trong nước ngày càng lan rộng, thời cơ giành chính quyền đang đến gần. Lúc này, căn cứ địa Cao Bằng không còn phù hợp vì cách xa các tỉnh đồng bằng. Bác Hồ yêu cầu đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn ngay ở Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm phù hợp làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài, là nơi ở và làm việc để Người trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa nay mai. Từ Pác Bó, ngày 20-5- 1945, Bác Hồ đến địa phận Tuyên Quang. Những bước đi của Người từ Pác Bó đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam. Là những bước vùng lên của cả dân tộc đánh đổ ách đô hộ của thực dân, phong kiến phát xít Nhật và bè lũ tay sai.

Rừng thiêng vọng tiếng quân reo

Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình) cũng là địa điểm chúng tôi không quên đặt chân khi đến với Cao Bằng. Nơi đây, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng được thành lập. Tháng 12- 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự, tuyên truyền hơn tác chiến… Nó là đội tuyên truyền... đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...”.

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao - Bắc - Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Chỉ có 34 người với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên trung, dũng cảm hội tụ từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân - họ là con em đồng bào các dân tộc Cao - Bắc - Lạng có lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc; cùng một ý chí sắt son gắn kết thành một khối vững chắc, không ngại gian khổ hy sinh để đánh đuổi kẻ thù xâm lược, mang hòa bình, tự do cho đất nước. Sau lời tuyên bố của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đại diện Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đọc thư chúc mừng, đại diện các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương cũng lên chúc mừng đội bằng những lời cảm động, đầy tin tưởng và thương yêu. Kế đó, lễ tuyên thệ của đội diễn ra. 10 lời thề danh dự đã được chính đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc vang lên: “... Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống phát xít Pháp - Nhật và bọn Việt gian phản quốc, để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước dân chủ, độc lập, tự do ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”. Những cánh tay của các đội viên vung lên, hô vang: “Xin thề! Xin thề!”.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, đến đầu năm 1945, lực lượng vũ trang 3 thứ quân đã hình thành và đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc đấu tranh của nhân dân ta, nhất là ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang chưa được thống nhất trong chỉ đạo. Để phát triển lực lượng vũ trang lên một bước, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ (tháng 4-1945) quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang của Đảng như Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân... thành Việt Nam Giải phóng quân.

Thực hiện chủ trương của hội nghị, ngày 15-5-1945, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân gặp nhau tại địa điểm đình làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Cùng ngày, tại đình làng Quặng, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Lực lượng ban đầu của Việt Nam giải phóng quân gồm 13 đại đội (thống nhất từ các Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Trung đội Cứu quốc quân) và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện.

Phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, lực lượng cách mạng được chuẩn bị kỹ lưỡng, thời cơ đã chín muồi, theo bước chân Người, cả dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa vĩ đại để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới (còn tiếp)

Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự, tuyên truyền hơn tác chiến… Nó là đội tuyên truyền... đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...”.

CAO SƠN

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Bác về

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=485
Quay lên trên