Bahrain dùng biện pháp mạnh lập lại trật tự trong nước

Cập nhật: 18-02-2011 | 00:00:00

Quân đội Bahrain hôm qua (17-2) đã triển khai hàng chục xe tăng trên khắp thủ đô Manama nhằm đàn áp những người biểu tình đang đấu tranh đòi cải cách chính trị ở đất nước nhỏ bé này. Quân đội đã thề sẽ áp dụng những “biện pháp mạnh” để lập lại trật tự ở trong nước sau khi cảnh sát thực hiện một cuộc đàn áp những người biểu tình chống chính phủ khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

 

 

Được khơi mào từ làn sóng biểu tình đang bùng lên khắp Trung Đông và Bắc Phi, những người biểu tình ở Bahrain bắt đầu chiến dịch chống chính phủ từ đầu tuần này. Những người biểu tình theo dòng Shiites đòi chính phủ do người Sunni đứng đầu phải tiến hành các cải cách chính trị, trong đó có việc thả những tù nhân chính trị và sa thải Thủ tướng đương nhiệm. Họ cũng kêu gọi cải cách kinh tế và tạo công ăn việc làm mới.

 

Sau khi cho phép các cuộc biểu tình diễn ra vài ngày ở thủ đô Manama, sáng ngày hôm qua (17-2), giới lãnh đạo Bahrain đã ra lệnh cho lực lượng cảnh sát chống bạo động nước này thực hiện một chiến dịch đàn áp người biểu tình. Các nhân chứng cho biết, cảnh sát đã xông vào khu vực cắm trại của người biểu tình ở Quảng trường Pearl (Ngọc Trai) bắn hơi cay, đạn cao su và đánh người biểu tình.

 

Theo Bộ trưởng Y tế Faisal al-Hamr, đã có 3 người thiệt mạng và khoảng hơn 200 người bị thương trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

 

Trước tình hình này, quân đội Bahrain đã vào cuộc bằng cách triển khai binh lính khắp thủ đô Manama, phong tỏa mọi con đường dẫn tới Quảng trường Ngọc Trai và dựng lên nhiều chốt kiểm soát ở các con đường khác, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

 

Các nhân chứng cho hay, hàng chục xe tăng và xe bọc thép đã được triển khai xung quanh Quảng trường Ngọc Trai trong khi quân đội cảnh báo sẽ áp dụng những “biện pháp mạnh tay” để lập lại trật tự và khôi phục an ninh ở đất nước Bahrain.

 

Bộ Quốc phòng Bahrain kêu gọi người dân “kiềm chế, tránh tụ tập ở những khu vực quan trọng”. Còn Ngoại trưởng Bahrain – ông Khaled bin Ahmed al-Thani thì cho biết, cảnh sát phải can thiệp vào cuộc biểu tình nhằm ngăn chặn một “cuộc xung đột sắc tộc và một cuộc khủng hoảng kinh tế."

 

Lo ngại những sự kiện diễn ra ở Bahrain có thể gây bất ổn cho toàn khu vực, Ngoại trưởng các nước vùng Vịnh chiều tối ngày hôm qua đã có cuộc họp ở thủ đô Manama. Các quan chức này đã bày tỏ “sự ủng hộ hoàn toàn cho Bahrain trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng."

 

Ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng phản đối việc dùng vũ lực trong khi Ngoại trưởng Hilary Clinton cho rằng, những người dùng vũ lực trong các cuộc biểu tình ở Bahrain sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.

 

Làn sóng biểu tình lan rộng khắp Trung Đông, Bắc Phi

 

Những cuộc biểu tình lan rộng và những cuộc đụng độ đẫm máu đang thách thức nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi hơn.

 

Các cuộc biểu tình tương tự như ở Ai Cập, Tunisia và Bahrain cũng diễn ra ở Libya. Ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và các lực lượng an ninh trong ngày hôm qua.

 

Giới cầm quyền Libya đổ lỗi các vụ bạo lực cho một số “phần tử phá hoại” trong những người biểu tình. Hôm qua là ngày đầu tiên người ta nghe thấy tiếng súng ở Libya sau một vài ngày diễn ra các cuộc biểu tình. Người biểu tình Libya đã tiến hành một cuộc biểu tình lớn trong ngày hôm qua, lấy tên gọi là “Ngày Cuồng nộ”, giống như ở Tunisia và Ai Cập.

 

 

Ở Yemen, ít nhất 2 người biểu tình đã chết vì những vết đạn và 14 người khác bị thương sau khi cảnh sát thực hiện chiến dịch đàn áp hôm 15-2. Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người đã cầm quyền ở Yemen trong 33 năm qua, đã miêu tả những người biểu tình kêu gọi ông từ chức “là các phần tử đảo chính”. Ông này cáo buộc người biểu tình đang tìm cách gây bất ổn trên khắp đất nước.

 

"Thời kỳ của các cuộc đảo chính và gây rối loạn đã qua. Bất kỳ ai muốn cầm quyền phải thông qua các cuộc bỏ phiếu chứ không phải thông qua các cuộc nổi loạn trên đường phố”, ông Saleh đã phát biểu như vậy với những người ủng hộ ông.

 

Trong khi đó, ở Iran, các cuộc đụng độ giữa sinh viên ủng hộ chính phủ và những người đối lập đã diễn ra khắp thủ đô Tehran trong lễ tang của Sane' Zhaleh, một người bị bắn chết trong cuộc biểu tình hồi đầu tuần.

 

Những người ủng hộ chính phủ đã chỉ trích những người biểu tình là “đạo đức giả” và kêu gọi xử tử lãnh đạo phe đối lập. Một số quan chức còn cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây đã kích động biểu tình và can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.

 

Ở Iraq, hai người đã thiệt mạng và gần 40 người bị thương khi hàng trăm người dân Iraq giận dữ chiếm đóng các tòa nhà chính phủ ở thành phố Kut, phía đông tỉnh Wasit. Người biểu tình còn tấn công và đốt nhà của tỉnh trưởng Latif Hamad al-Turfah. Các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh đã bắn chỉ thiên lên trời để giải tán đám đông người biểu tình.

 

Được khích động bởi làn sóng biểu tình ở Tunisia và Ai Cập, ở Algeria cũng đã diễn ra một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ. Thủ tướng Ahmed Ouyahia mới đây tuyên bố chính phủ sẽ xem xét các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề nhà ở, việc làm cũng như các dịch vụ công cộng khác.

 

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình ở Ai Cập, nước này vừa bắt giữ 3 cựu Bộ trưởng Nội vụ, Du lịch và Nhà ở và một quan chức cấp cao thời chính quyền cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Những người này bị cáo buộc lãng phí công quỹ. Tuy nhiên, 4 vị cựu quan chức này đều khẳng định họ không làm gì sai trái.

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=432
Quay lên trên