Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam

Bài 1: Âm mưu thúc đẩy đa nguyên, đối lập

Cập nhật: 29-04-2021 | 07:08:33

Thời gian qua, một số cá nhân hoặc đại diện cho những tổ chức bất hợp pháp đã viết bài trên mạng xã hội và thực hiện một số hoạt động nhằm tuyên truyền phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, xuyên tạc rằng công đoàn đã "bắt tay với giới chủ, đã từ bỏ đấu tranh giai cấp, không còn bảo vệ cho quyền lợi của công nhân, người lao động".

Từ đó, họ kêu gọi thành lập các nghiệp đoàn độc lập, tự do tách ra khỏi công đoàn, với lý do là "để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của công nhân, người lao động". Đáng chú ý là các nghiệp đoàn độc lập này được xúi bẩy để nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng, đối lập với Nhà nước và mưu đồ thành lập một lực lượng chính trị đối lập ở Việt Nam.

Mưu đồ xấu đằng sau những mỹ từ “tự do”, “độc lập”

Điều 10 Hiến pháp 2013 quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như thế có thể thấy vai trò đặc biệt quan trọng của công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” được đặt lên hàng đầu đối với tổ chức công đoàn.


 Công nhân Tổng Công ty May Hưng Yên đang làm việc tại xưởng sản xuất. Ảnh: laodong.vn

Thế nhưng, trong thời gian qua, một số tổ chức nước ngoài, một số cá nhân có quan điểm chống đối Đảng, Nhà nước ta đã phủ nhận hoàn toàn vai trò và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Công đoàn Việt Nam gần 92 năm qua. Đặc biệt, là sau khi Bộ luật Lao động 2019 được thông qua, không ít tổ chức từ nước ngoài đã tài trợ tiền bạc, tán phát nhiều thông tin xuyên tạc để thúc đẩy việc thành lập cái gọi là các "công đoàn độc lập", hay "nghiệp đoàn độc lập", "nghiệp đoàn tự do", dưới chiêu bài là để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động. Có tổ chức phản động đã lên kế hoạch các bước để thành lập "nghiệp đoàn độc lập". Mới đây, một trang tin nước ngoài đưa bài viết của “nhà quan sát hiện sống tại Đức” tuyên bố rất sai trái rằng: “Nghiệp đoàn” tự thân nó là phi chính trị, là đồng hành với người lao động”. Nghiệp đoàn phải độc lập với đảng chính trị cầm quyền, phải độc lập với nhà nước thì mới bảo vệ được quyền lợi cho người lao động.    

“Nhà quan sát” này cố ý quên rằng, Công đoàn Việt Nam vẫn là pháp nhân đang tồn tại độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tư cách là một đoàn thể chính trị và là tổ chức đại diện người lao động. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công đoàn, vì Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam tại Điều 4 đã quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo công đoàn, nhưng không làm thay hay can thiệp công đoàn mà luôn tôn trọng công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn hoàn thành sứ mệnh. Độc lập với Nhà nước nhưng Công đoàn Việt Nam phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, phối hợp với Nhà nước để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động với tư cách là một bên trong quan hệ lao động ba bên (Nhà nước, giới sử dụng lao động, đại diện người lao động). Chính phủ cũng không làm thay hay can thiệp công đoàn, mà chỉ phối hợp để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn. Phải chăng “nhà quan sát” có dụng ý đánh tráo khái niệm “độc lập” với “đối lập” nhằm hình thành một lực lượng chính trị đối lập nhân danh dân chủ, nhân quyền và vì quyền lợi người lao động để không tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, chống phá cách mạng Việt Nam?

Có thể thấy rằng, mưu đồ muốn thành lập “nghiệp đoàn độc lập”, “công đoàn độc lập” nói trên, đặt chúng ra ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chống lại cách mạng Việt Nam là hết sức nguy hiểm. Không một quốc gia nào chấp nhận một tổ chức hoạt động trên lãnh thổ nước mình mà lại không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của quốc gia đó!

Không có chuyện công đoàn né đấu tranh

Ý kiến cho rằng, công đoàn hiện nay "không còn đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động" là hết sức xằng bậy.

Việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động được tổ chức công đoàn các cấp tiến hành thường xuyên, liên tục, từ việc đấu tranh trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, đến tham gia và có tiếng nói mạnh mẽ ở Hội đồng tiền lương quốc gia cho tới những sự vụ thương lượng, đối thoại đấu tranh trực tiếp với người sử dụng lao động để đòi quyền lợi cho người lao động tại từng doanh nghiệp.

Chúng tôi đã có mặt tại TP Bắc Ninh ngày 22-4-2021 để chứng kiến lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc. Tham gia lễ ký có nhóm 7 doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc (ban đầu có 13 doanh nghiệp tham gia) đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh, trong đó có các doanh nghiệp thuộc tổ hợp Samsung Việt Nam. Thỏa ước lao động tập thể này được ký kết sau thời gian dài thương lượng với nhiều phiên họp hết sức gay cấn, mang lại lợi ích cho khoảng 80.000 công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp nói trên. Thỏa ước lao động tập thể này có 19 điều, trong đó quy định cụ thể từ lương thử việc, các chế độ phúc lợi với người lao động, các hình thức trợ cấp, hỗ trợ người lao động với mức hơn hẳn so với các quy định cũ. Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Ninh, để ký được Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp này, LĐLĐ tỉnh đã phải kiên trì tiếp xúc, thương lượng, thuyết phục lãnh đạo các doanh nghiệp trong hơn một năm trời. “Đơn giản nhất như, để thuyết phục được 7 doanh nghiệp nói trên hỗ trợ tiền ăn ca chính lên tối thiểu 20.000 đồng/người là không hề dễ dàng, mặc dù phần lớn các doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền ăn ca chính là 18.000 đồng/người. Bởi chi thêm 2000 đồng/người/bữa ăn cho hàng vạn lao động thì số tiền sẽ bị tăng lên rất lớn”, bà Nguyễn Thị Vân Hà chia sẻ.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam rất khuyến khích LĐLĐ các tỉnh, thành phố ký kết với các doanh nghiệp các thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp như trên. Vì điều này sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp như: Tạo mặt sàn cơ bản về lợi ích nhưng xu hướng chung là người lao động được hưởng các chế độ phúc lợi theo quy định của doanh nghiệp tốt nhất trong nhóm. Doanh nghiệp sẽ tránh được nguy cơ dịch chuyển lao động, ổn định được sản xuất.

Trong giai đoạn 2018-2020 của nhiệm kỳ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn đã ký mới được 6.113 bản TƯLĐTT doanh nghiệp, gấp 4,6 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XI, nâng tổng số TƯLĐTT đã ký kết lên 34.989 bản. Nội dung của các bản thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực, có lợi hơn cho người lao động như vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, thực hiện chính sách bình đẳng giới... 

Cùng với đó, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2020, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Tổng Liên đoàn đã có hơn 300 văn bản tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về quyền lợi của người lao động.

Nếu công đoàn không đấu tranh cho người lao động thì làm sao có Bộ luật Lao động 2019 với nhiều điểm rất có lợi cho người lao động, mà để đạt được điều đó đại diện công đoàn đã nhiều lần phát biểu rất mạnh mẽ, thấu tình, đạt lý để góp ý cho dự thảo Bộ luật. Theo đó, trong Bộ luật Lao động 2019, khung giờ làm thêm được giữ nguyên như quy định hiện hành là 300 giờ/năm, để bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động, mặc dù trước đó ý kiến của các doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm lên tối đa tới 400 giờ/năm, thậm chí có hiệp hội đề nghị tăng lên 600 giờ/năm. Đồng thời, cũng trong bộ luật này, người lao động sẽ có thêm một ngày nghỉ lễ nữa trong dịp Quốc khách 2-9 hằng năm. Cuộc đấu tranh của công đoàn nhằm giảm giờ làm chính thức cho người lao động tuy chưa được chính thức hóa thành quy định của bộ luật nhưng với kiến nghị quyết liệt, mạnh mẽ từ phía Tổng Liên đoàn, Quốc hội đã đưa vào Nghị quyết kỳ họp, yêu cầu “Căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội vào thời điểm thích hợp”.

Nếu công đoàn không đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì liệu lương tối thiểu vùng có được tăng đều đặn các năm, để trong giai đoạn 2015-2020 đã tăng 51,4%? Trong các phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia, các thành viên từ Công đoàn Việt Nam đã rất quyết liệt, kiên trì, đưa ra nhiều lập luận mang tính thuyết phục cao, đôi khi là những tranh luận gay gắt với giới sử dụng lao động, khi mà nhiều thành viên khăng khăng với việc không tăng lương, để rồi sau đó hằng năm lương tối thiểu đều tăng từ 5,3% đến 14%, góp phần cải thiện đời sống công đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp đều tin tưởng công đoàn

Điều hành một tổ hợp sản xuất công nghiệp lớn với 130.000 lao động, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, đánh giá rất cao vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân cũng như giữ một môi trường làm việc ổn định, hài hòa tại doanh nghiệp. “Tổ chức công đoàn đã tham gia phát triển các hoạt động phong trào nhằm nâng cao hiệu quả năng suất lao động đến chăm lo xây dựng phong phú đời sống tinh thần của người lao động trong và ngoài giờ làm việc. Sự ghi nhận và tin tưởng của chính người lao động cũng như ban lãnh đạo công ty đã thể hiện uy tín của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp. Công đoàn đã thực hiện rất tốt vai trò phối hợp và trực tiếp tham gia vào các hoạt động của công ty", ông Choi Joo Ho nói.

Ông cho hay, 100% các ý kiến, kiến nghị của công đoàn công ty đều được lãnh đạo Samsung Việt Nam tiếp nhận và giải quyết triệt để. “Các ý kiến của nhân viên cùng nội dung phản hồi từ bộ phận chuyên trách đều được dịch sang tiếng Hàn và báo cáo hằng ngày giúp ban lãnh đạo công ty có thể hiểu được chính xác tiếng nói và nguyện vọng của nhân viên. Ban lãnh đạo công ty cũng như ban chấp hành công đoàn cũng chủ động tìm hiểu các vấn đề cần giải quyết, nhằm giảm tối đa các ý kiến phát sinh”, ông Choi Joo Ho cho biết.

Cũng nhờ sự phối hợp, đề xuất của công đoàn mà khi tới các nhà máy trong Tổ hợp Samsung Việt Nam, có thể thấy những phúc lợi rất tốt cho công nhân như: Hệ thống xe buýt chất lượng cao làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công nhân viên đi làm hằng ngày; ký túc xá dành cho nhân viên cung cấp khoảng 30.000 chỗ ở tiện nghi; mỗi nhà máy đều có trạm y tế đạt chuẩn khám bệnh, đồng thời xây dựng mô hình trung tâm khám sức khỏe liên kết với bệnh viện quốc tế thực hiện thăm khám và tư vấn sức khỏe định kỳ cho toàn thể nhân viên; xây dựng nhiều câu lạc bộ tại mỗi nhà máy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, thể thao, nghệ thuật cho toàn thể nhân viên. Với tỷ lệ nhân viên nữ chiếm hơn 70%, Samsung Việt Nam luôn chú trọng đưa ra những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là đối tượng nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ... Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Samsung Việt Nam vẫn luôn bảo đảm để không một nhân viên nào bị mất việc làm và nghỉ không lương.

Theo QĐND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=996
Quay lên trên