Chiến khu Đ - Căn cứ địa huyền thoại

Bài 1: Biểu tượng của cách mạng, của kháng chiến

Cập nhật: 20-12-2016 | 10:22:01

Nằm trên triền đất thoải từ chân cao nguyên miền Trung chạy về phía nam, Chiến khu Đ là chiếc gạch nối từ vùng rừng núi bạt ngàn nam Tây nguyên và cực Nam Trung bộ xuống giáp với các đô thị lớn như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Sài Gòn. Chiến khu Đ là một trong những căn cứ địa cách mạng lớn của Nam bộ trên chiến trường miền Đông trong 2 cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ (1946-2016) và 55 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam (1961-2016), Báo Bình Dương xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài tư liệu về lịch sử oai hùng của Chiến khu Đ. 

Đầu năm 1946, Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (25-12-1945) đến các chiến trường ở Nam bộ. Chỉ thị nêu rõ: Phải chọn đóng ở những địa điểm chiến lược lợi hại: Tiến có thể đánh, lùi có thể giữ… kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui phải hết sức chu đáo. Điều cốt tử là phải giữ vững liên lạc giữa các chiến khu để thống nhất chỉ huy. Do nhu cầu đặt ra ngày càng cấp thiết của cuộc kháng chiến từ những ngày đầu chống Pháp, Chiến khu Đ được hình thành khởi đầu chủ yếu từ hạt nhân của 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Tên Chiến khu Đ lúc đầu lấy luôn tên của một trong những địa điểm nói trên, gọi là Chiến khu Đất Cuốc hay Chiến khu Lạc An, sau từ “Đ” còn được gọi bằng mật danh dùng để chỉ vị trí Tổng hành dinh Khu 7 nằm trong hệ thống các vị trí căn cứ được tính theo thứ tự A, B, C... 

Trong hai cuộc kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Chiến khu Đ đã chịu đựng và vượt qua bao nhiêu gian lao thử thách ác nghiệt của thiên nhiên, đói rét bệnh tật, bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù để bảo vệ, giữ vững căn cứ, góp phần làm nên truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” và là nỗi kinh hoàng đối với kẻ thù: “Chiến khu Đ còn - Sài Gòn mất”. Những địa danh Lạc An, Đất Cuốc, Nhà Nai, Suối Sâu, Sình, Bà Đã, Bàu Phụng, Bà Hào, Suối Linh, Suối Nhung, Mã Đà, Hiếu Liêm, Suối Dênh Dênh, Đồi Tây Ngũ, Bù Cháp, Lý Lịch… đã trở nên bất tử và gắn liền với bao chiến công, tấm gương chiến đấu, hy sinh của nhiều thế hệ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chiến khu Đ là căn cứ địa quan trọng của miền Đông Nam bộ, trải rộng từ triền rừng bạt ngàn nối từ cao nguyên miền Trung và biên giới Campuchia xuống giáp cận Sài Gòn và những đô thị lớn thuộc tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai), Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Với địa hình rừng núi hiểm trở, Chiến khu Đ đã trở thành mật khu căn cứ, nơi cất giấu lực lượng, kho tàng dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng. Chiến khu Đ còn giữ vị trí chiến lược nối liền các chiến trường ở Nam bộ và là “trạm trung chuyển” quan trọng từ Bắc vào Nam. Chiến khu Đ còn giữ vị trí như một “bàn đạp” tấn công vào các mục tiêu của địch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ trong rừng Chiến khu Đ 

Vừa sản xuất, vừa gây dựng cơ sở cách mạng trong các buôn sóc, trong đồng bào dân tộc, vừa bảo đảm nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ và cơ quan lãnh đạo, vừa chiến đấu, Chiến khu Đ đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững và mở rộng địa bàn của mình trở thành nơi dưỡng quân, huấn luyện, nâng cao chất lượng bộ đội và du kích, đáp ứng nhu cầu kháng chiến của miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Chính hai đơn vị mạnh: Liên trung đoàn 301-310 và tiểu đoàn chủ lực 303 đã hình thành và phát triển ở đây. Đến tháng 5-1951, Chiến khu Đ đã trở thành một trong những hệ thống căn cứ địa của cả Nam bộ gồm: Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đồng Tháp Mười và Chiến khu U Minh. Là một căn cứ chính của Nam bộ, Chiến khu Đ ngoài các nhiệm vụ chính, từ 1-5- 1952 còn được Trung ương Cục miền Nam giao cho nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa của Trung ương do Liên khu V chuyển giao từ Bình Thuận vào Chiến khu Đ để từ đó phân cho các đơn vị trên chiến trường. Tiểu đoàn 320 được thành lập làm nhiệm vụ nói trên đã giữ vững đường liên lạc giữa Nam bộ với Trung ương, đưa đón các đoàn cán bộ qua lại trên tuyến đường này. Suốt thời gian từ 1951 đến khi ký kết Hiệp định Genevơ, các đơn vị cơ quan tại Chiến khu Đ, vượt qua muôn vàn khó khăn nào thiên tai (đặc biệt là cơn bão khốc liệt năm Nhâm Thìn 1952), địch càn quét, đánh phá bằng bom đạn, phá hoại kinh tế, gài do thám chỉ điểm, biệt kích... đã giữ vững căn cứ địa cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của quân dân cả nước đưa đến ký Hiệp định Genevơ năm 1954.

Đến khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam được Trung ương giao nhiệm vụ lãnh đạo từ Khu 5 trở vào, Trung ương Cục đã chọn Chiến khu Đ làm căn cứ đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục (năm 1961). Chiến khu Đ, trước tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, đã mở rộng địa bàn, vượt ra khỏi phạm vi cũ trong kháng chiến chống Pháp, phát triển rộng về phía đông và đông bắc. Chính nơi đây là một trong những nơi ra đời đầu tiên của các đơn vị vũ trang miền Đông và chủ lực Miền. Đường hành lang từ Trung ương theo đường Trường Sơn xuống Nam Tây nguyên được nối thẳng với Chiến khu Đ. Sau này, do tình hình phát triển của cách mạng, Trung ương Cục và Quân ủy Miền không đóng ở Chiến khu Đ nữa nhưng chiến khu vẫn là một căn cứ địa lớn của cách mạng miền Nam, đóng vai trò hậu phương tại chỗ của miền Đông, là bàn đạp để lực lượng ta tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng, đường giao thông chiến lược của địch.

Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, chính Chiến khu Đ là nơi tập kết triển khai các binh đoàn chủ lực trong trận quyết chiến chiến lược. Từ Chiến khu Đ, lực lượng cách mạng tổ chức nhiều trận tấn công vào kẻ thù giành nhiều chiến thắng vang dội. Kẻ thù luôn tìm mọi cách đánh phá nhưng đều thất bại. Trước một Chiến khu Đ kiên cường bất khuất, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã phải khiếp sợ thú nhận “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vị trí chiến lược và ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân ta. Chiến khu Đ, nơi một thời hội tụ những người con đất Việt chung một tấm lòng chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng non sông đất nước; nơi xuất phát những chiến công tiêu biểu của quân và dân miền Đông, từ chiến thắng La Ngà, cầu Bà Kiên, chiến dịch Bến Cát, Phước Thành, Tua Hai, sân bay Biên Hòa, Bình Giã, Đồng Xoài, Lộc Linh, Phước Long, Xuân Lộc… đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối.

Trải suốt hai cuộc kháng chiến, diễn biến căn cứ có nhiều thay đổi, nhưng danh từ Chiến khu Đ vẫn tồn tại như là một từ ngữ dân gian, một biệt ngữ không còn đơn thuần mang ý nghĩa địa danh và trở thành biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng. (còn tiếp) 

P.V (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1479
Quay lên trên