Bài 1: Ngân hàng thừa tiền, vì sao?

Cập nhật: 22-08-2012 | 00:00:00

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các ngân hàng (NH) thương mại đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm, đặc biệt ở các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa và tín dụng theo các chương trình kinh tế ưu tiên lãi suất (LS) thấp từ 12 - 13%/năm. Tuy vậy, đến nay không phải DN nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ NH.

Sau 5 lần NHNN điều chỉnh, trần LS huy động đã về mức 9%/năm, LS các khoản vay cũ giảm xuống mức 15%/năm... Cùng với đó, các lĩnh vực ưu tiên lãi vay chỉ khoảng 11 - 13%/năm. Thế nhưng, tốc độ tăng dư nợ của hệ thống NH vẫn chưa được cải thiện là bao. Làm thế nào để khơi thông dòng tín dụng vẫn là bài toán khó trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn tiền đang ứ đọng!

Theo số liệu của NHNN chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 6, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 67.672 tỷ đồng, tăng 21,85% so với đầu năm và tăng 47,48% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này, thể hiện sự tin tưởng của xã hội vào sự điều hành của NHNN, giúp nguồn vốn huy động tăng trưởng vững chắc. Tuy vậy, khác với tình trạng các NH luôn thiếu hụt thanh khoản trong thời điểm cùng kỳ năm 2011, từ cuối tháng 3-2012 đến nay, tình hình thanh khoản VNĐ trên thị trường luôn có dấu hiệu dư thừa, khả năng hấp thụ vốn của thị trường mà đặc biệt từ các DN không cao, khiến dòng tín dụng “chảy” chậm. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tốc độ tăng dư nợ tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 49.052 tỷ đồng, giảm 1,73% so với đầu năm và chỉ tăng 4,85% so với cùng kỳ.

 Nguồn tiền ứ đọng nhiều khiến các NH gặp không ít khó khăn. Trong ảnh: Nhân viên một NH trên địa bàn kiểm đếm nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân

Đại diện NH TNHH Một thành viên Shinhan Vina chi nhánh Bình Dương (phường Dĩ An, TX.Dĩ An) Trịnh Bằng Vũ, cho biết có nguồn vốn dồi dào từ NH mẹ (Hàn Quốc) rót về, nhưng từ nhiều tháng qua tình hình cho vay vẫn ế, mặc dù phía NH đã đưa ra mức LS vay thấp hơn 15%/năm, cùng nhiều biện pháp khuyến khích cho vay. Còn tại Vietcombank Bình Dương, huy động đạt 6.455 tỷ đồng, tăng 14,4%, nhưng tín dụng của Vietcombank chỉ ở mức 5.170 tỷ đồng, giảm 8,1% so đầu năm. Tương tự, Giám đốc NH Agribank chi nhánh KCN Sóng Thần Phạm Thị Kim Nga, cho biết 7 tháng qua, tín dụng của Agribank chỉ đạt 3,5%. Những tháng tới đây, tăng trưởng tín dụng của NH khó có thể đạt mục tiêu 8%. Agribank Bình Dương cũng cho biết, tính đến 15-7, dư nợ cho vay chỉ đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 11% so đầu năm. Lãnh đạo Agribank Bình Dương đang lo lắng chỉ tiêu tăng dư nợ tín dụng từ 1.600 - 2.000 tỷ đồng vào cuối năm không biết có đạt được hay không!

Cho vay phải “nhìn trước ngó sau”!

Nhiều NH cho biết, cứ 10 hồ sơ đề nghị vay vốn thì chỉ có khoảng 1 - 2 hồ sơ đáp ứng được các yêu cầu cho vay, trong đó rất ít hồ sơ đạt chuẩn để hưởng LS ưu đãi của NH. Nguyên nhân được các NH đưa ra thì nhiều, từ hàng tồn kho đến vấn đề đầu ra của sản phẩm, chỉ số an toàn thấp... Giám đốc Vietcombank Sóng Thần Nguyễn Trọng Thùy, cho biết hạn chế lớn nhất của các DN là báo cáo tài chính, phản ánh không đúng thực chất hoạt động, doanh số, lợi nhuận và một số chỉ tiêu khác không đúng thực tế. “Vấn đề là người vay phải chứng tỏ cho NH thấy được năng lực quản lý, sản xuất - kinh doanh, lưu thông nguồn vốn và trả nợ tốt cho NH. Đây là yếu tố quyết định sự thành bại của DN và cũng chính là yếu tố giảm thiểu rủi ro cho NH. Mục tiêu của NH không chỉ là lợi nhuận mà còn phải đưa vốn vào nền kinh tế, giúp DN phát triển, NH phát triển”, ông Thùy nói.

Có thể thấy trong những tháng còn lại của năm 2012, với điều kiện lạm phát thấp, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với việc Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn như kích cầu sẽ là cơ sở giúp cho NH có nhiều điều kiện để đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, nhiều NH nhìn nhận trong tình hình hiện nay, tìm kiếm khách hàng vay mới, hoạt động tốt là không dễ. Khách hàng truyền thống, uy tín thì không muốn vay thêm, còn khách hàng vay mới thì phải chọn lọc hồ sơ kỹ càng vì nếu không tìm hiểu kỹ, rơi vào cảnh khách đáo nợ hoặc đang có nợ xấu ở NH khác hoặc tìm cách xoay vốn NH mới để trả nợ vay...

Phó Giám đốc NH Sài Gòn Hà Nội (SHB) Bình Dương Nguyễn Ngọc Nga chỉ ra một thực tế, DN cứ kêu thiếu vốn nhưng thực tế chưa chắc thiếu nhiều đến vậy. Lý do, trước đây các DN chiếm dụng vốn lẫn nhau, nên khi một DN bị mất khả năng thanh toán, phá sản, bỏ trốn... sẽ dẫn đến nhiều DN vay NH không trả được nợ, nợ dây chuyền. “Tình trạng này đang làm chính các DN cũng không tin tưởng nhau. Điều này thể hiện qua lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong 6 tháng đầu năm chiếm tỷ lệ khá lớn với 38,94%/tổng huy động, tăng 47,48% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này khác hẳn với những năm trước là lượng tiền thay vì nằm quanh quẩn trong các vệ tinh sản xuất thì nay được các DN “khỏe mạnh” rút về, gửi vào NH để hưởng LS hoặc chờ cơ hội kinh doanh mới, như vậy DN có khó khăn không?”, ông Nguyễn Ngọc Nga đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Nga, một vấn đề nữa, khó giải quyết nhất hiện nay, chính là niềm tin giữa NH và DN hiện có khoảng cách. Tình trạng DN chây ì trả nợ, trốn nợ đang diễn ra ngày càng phổ biến, tới mức đáng báo động, khiến phía NH chùn tay, vì vậy NH phải “nhìn trước ngó sau” trước khi ra quyết định cho vay!         

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 17% cho cả năm 2012, NHNN vừa nới rộng tăng trưởng tín dụng cho một số NH thương mại lên đến 27% thay mức cũ từ đầu năm là 17%. Theo ý kiến của nhiều NH, việc đẩy mạnh cho vay không khó, cái khó là DN hiện nay chết lâm sàng rất nhiều. Chính vì vậy, thị trường tiền tệ đang tồn tại nghịch lý, tiền ứ thừa trong NH, DN khó vay vốn.

THANH HỒNG

Kỳ tới: DN khó vay được vốn từ ngân hàng!

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=243
Quay lên trên