Bài 1: Xe “ma” tràn lan trên phố

Cập nhật: 23-06-2011 | 00:00:00

Với chủ trương thay thế xe ba gác, xe lôi máy, xe lam, xe 3, 4 bánh tự chế bằng loại phương tiện hiện đại, đạt tiêu chuẩn an toàn, phù hợp quy định pháp luật trong đó có xe 4 bánh gắn động cơ môtô vừa dễ sử dụng, giá cả hợp lý, vừa giúp người nghèo kiếm sống dễ dàng hơn. Nắm bắt nhu cầu này nhiều cơ sở hàn tiện, sửa xe máy, kể cả đại lý mua bán xe máy đã chuyển hẳn sang sản xuất, lắp ráp “chui”, rồi thiết lập hệ thống bán hàng lưu động tại các ngả đường, khu dân cư đông đúc với đủ mọi hoàn cảnh nhằm qua mặt khách hàng.

Đủ mọi hình thức

Nhờ lợi thế vượt trội so với xe 4 bánh gắn động cơ môtô có hệ thống vôlăng, càng số như xe ôtô, loại xe lôi 3 bánh có càng lái xuất xứ từ Trung Quốc vừa chở khỏe, chở được các loại đồ vật cồng kềnh, quá tải như khung cửa, tôn, kèo sắt dài quá cỡ, quá khổ mà không bị chỏng đầu, nên dễ kiếm tiền, được dân chạy xe ba gác ưa chuộng, dù loại phương tiện này đã không còn được đăng ký lưu hành vì không khác gì xe ba gác trước đây là dễ gây tai nạn, cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị...

 Nhờ “lợi thế” chở nặng không bị chỏng đầu, dễ dàng chở hàng quá khổ, quá tải, nên xe lôi  3 bánh xuất xứ từ Trung Quốc thoải mái tung hoành trên đường phố

Đối tượng sử dụng phổ biến loại phương tiện này đều là người nghèo thành thị, không có việc làm ổn định ngoài nghề chạy xe chở thuê, dễ dàng luồn sâu vào các đoạn đường khó, con hẻm nhỏ, kể cả chạy boong trên các tuyến đường lớn, quốc lộ nếu giá cả hợp lý! Vì đây là đối tượng lao động nghèo nên được các ngành chức năng chiếu cố, thông cảm. Nắm bắt thực tế và nhu cầu trên các đầu nậu tiêu thụ xe gian ngoài việc trưng bày và bán trực tiếp ngay tại “cơ sở sản xuất”, các “lò” này còn tổ chức hệ thống bán hàng lưu động theo kiểu thuê người đóng giả “dân xe ba gác”, có khi thì ngồi tán gẫu, có lúc tổ chức đánh bài ngay trên thùng xe để câu khách. Phổ biến nhất là dán thêm mấy dòng “xe chở thuê; xe chở mướn” lên hai bên hông xe y như xe đang hoạt động bình thường, sau đó làm thêm tấm bảng lớn ghi rõ “xe bán” và số điện thoại liên lạc, cùng đủ lý do, hoàn cảnh nỗi bức xúc để phải bán chiếc “cần câu cơm” hàng ngày của mình như: “thua số đề, thua bài, xe cầm không chuộc... cần bán giá rẻ”... để hấp dẫn, lôi kéo người mua!

Cần là có

Tại ngã 6 An Phú (TX.Thuận An) có ít nhất 4 điểm bán xe lưu động như vừa nêu. Ngoài ra dọc tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 1K cùng nhiều ngả đường có đông người qua lại khác đều xuất hiện những điểm bán xe lôi máy kiểu “chỉ giao dịch mua bán qua điện thoại” để vừa đánh lừa khách hàng vừa đề phòng cơ quan chức năng kiểm tra. Chúng tôi đã thử vào vai người mua xe gọi vào số máy di dộng 016... dán trên thùng xe đang trưng bày phía trước Công viên Văn hóa Thanh Lễ, TX.TDM thì nhận được câu trả lời nhát gừng phía đầu dây bên kia “xe bán rồi, kiếm chỗ khác đi”. Quan sát xung quanh thì được biết người trả lời điện thoại không ở xa và đã nhìn thấy, nhận biết chúng tôi không phải là người mua xe nên xua đuổi bằng cách trả lời như thế!

 Một điểm sản xuất, lắp ráp xe  “chui”ở An Phú, Thuận An

Rút kinh nghiệm, chúng tôi đã đổi số điện thoại và vào vai như người đi mua xe thật tại một điểm khác trên đường 22-12 TX.Thuận An. Sau cuộc gọi chưa đầy 10 phút, người bán xe xuất hiện. Câu đầu tiên anh ta hỏi chúng tôi không phải giá cả, loại xe mà là “Anh, chị xài loại giấy tờ cầm tay hay phải sang tên”? Chúng tôi liền nhập vai “Loại nào cũng được, miễn mua về chạy ít hư, dễ kiếm tiền là được” và nhận được ngay lời tư vấn: “Sang tên thì cũng xe đó mà mắc gấp đôi, đua đòi làm chi cho tốn kém, mình ít tiền chọn loại giấy cầm tay cho tiện”...

Ông Trần Tấn Hùng, một người chạy xe chở thuê chuyên nghiệp tại khu vực ngã ba Ông Xã, TX.Dĩ An cho biết, họ bán đủ loại hết, xe cũ, xe mới, xe xài rồi, kể cả đặt trước chờ lắp ráp. Còn giấy tờ thì kiểu nào cũng có, nhưng coi chừng không giấy giả thì cũng giấy ma kiểu “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Họ mua 1 chiếc xe môtô thật với giấy tờ thật (loại trên giấy đăng ký ghi la xe Nam) rồi về cắt bỏ phần đuôi xe để lắp ráp với linh kiện nhập từ Trung Quốc, sau đó tiếp tục nhân bản song song vừa xe vừa giấy tờ ra thành nhiều bộ, nhiều chiếc; nhưng thật ra chỉ có 1 chiếc là có hồ sơ gốc, những chiếc còn lại đều là xe ma! Bản thân chiếc xe có giấy tờ gốc đó nếu người mua tiến hành sang tên đổi chủ cũng không được vì nó đã thay đổi mẫu mã, thiết kế so với ban đầu. Cao cấp hơn là các lò sản xuất lắp ráp còn dùng “kỹ thuật lão hóa” bằng cách gắn vào xe một số loại phụ tùng kiểu xưa xưa, cũ cũ để ngụy trang thành xe đã được đăng ký mua về tân trang kiếm lời... “Nói thật là làm nghề này bây giờ dễ kiếm tiền, ra đường cũng được các anh làm nhiệm vụ chiếu cố vì mình là người nghèo nên được cảm thông. Vì vậy mà thành phong trào vay tiền đi mua xe loại này chạy kiếm sống. Lợi dụng nhu cầu này, các điểm bán xe lưu động không chỉ bán xe ma mà còn kiêm luôn dịch vụ bằng lái, giấy tờ không hợp lệ. Nên phải biết rõ nguồn gốc, chịu khó đi học bằng lái, nếu không thì mất tiền, mang nợ! Vì loại xe này đã hết hạn đăng ký từ lâu rồi” - ông Hùng khẳng định vậy. (Còn tiếp)

DUY CHÍ

Thiếu tá Võ Văn Lớp, đội đăng ký xe - phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh bình dương: Đã phát hiện giấy tờ giả

Gần đây đội đăng ký xe đã phát hiện trường hợp đến đăng ký là giấy tờ giả được làm y như thật. Đội đã lập biên bản tịch thu theo quy định. Trong quá trình tuần tra kiểm soát nếu phát hiện phương tiện vi phạm, khi xuất trình giấy tờ không hợp lệ cũng tiến hành lập biên bản xử lý, tịch thu phương tiện, giấy tờ như quy định. Đây là vấn đề mới xuất hiện, chúng tôi sẽ theo dõi, báo cáo cấp trên để có hướng phối hợp xử lý. Nhưng trước mắt các địa phương giữ vai trò quan trọng vì tổ chức sản xuất, tiêu thụ diễn ra tại địa bàn quản lý.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên