Bài 2: Thuế, phí và một số thủ tục, dịch vụ còn bất cập

Cập nhật: 19-04-2012 | 00:00:00

Bên cạnh các khó khăn do thiếu vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, lãi suất ngân hàng cao... tại hội nghị tiếp xúc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đại diện các DN còn nêu nhiều ý kiến về chính sách thuế, phí, điện và cả những bất cập về thủ tục hành chính!

Bài 1. Doanh nghiệp thiếu vốn vì áp lực lãi suất!

Cần có chính sách thoáng hơn về thuế, phí

Ông Phan Hồng Phoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Giám đốc Công ty May Bình Dương, nêu: “Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN may mặc xuất khẩu cũng giảm mạnh. Bên cạnh các khó khăn do các chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, gas... tăng cao, DN còn gặp khó khăn về thuế VAT”. Theo ông Phoa, chỉ những chi phí trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh mới được ngành thuế khấu trừ, hoàn thuế VAT, còn chi phí gián tiếp thì không. Trong khi đó, để công nhân an tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với DN, không ít DN phải bỏ tiền xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con em công nhân, nhưng không được khấu trừ thuế VAT. Do khâu thiết kế Công ty May Bình Dương còn yếu, để tăng giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả kinh doanh, công ty phải thuê đơn vị thiết kế nước ngoài, nhưng Cục Thuế dứt khoát không cho hoàn thuế VAT chi phí thuê người nước ngoài trong khâu này. “Theo tôi việc này không khuyến khích DN phát triển sản xuất, tăng tính cạnh tranh, cũng như tăng giá trị gia tăng của sản phẩm”, ông Phoa nói. 

Để giữ chân lao động, nhiều DN đầu tư các công trình phúc lợi phục vụ con em công nhân nhưng không được khấu trừ thuế VAT!

Bà Đỗ thị Kim Loan, Công ty Sao Nam, bày tỏ: “Trong khi DN đang gặp khó khăn về vốn thì những quy định mới về thuế càng làm cho DN khó khăn hơn. Nếu như trước đây DN tập trung sản xuất, xuất khẩu, thời gian nộp thuế nhập khẩu được ân hạn rất dài, thì nay ngành thuế buộc phải nộp ngay. DN nào muốn ân hạn thuế phải có sự bảo lãnh”. Ông Nguyễn Liêm, Công ty gỗ Lâm Việt và bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Liên Phát, thì có chung ý kiến về phí mặt bằng sản xuất: “Phần mặt bằng chưa chuyển QSDĐ thì DN phải thuê với giá tăng hơn 20 lần so với trước. Nếu trước đây phí thuê

mặt bằng chỉ từ 400 - 450 đồng/m²/năm, thì nay tăng lên tới 8.500 đồng/m²/năm; chỗ ít đắc địa hơn cũng cao hơn trước từ 7 đến 10 lần”.

Bà Trương Thị Thúy Liên còn nói thêm: “DN sản xuất giày da trước đây đã rất khổ vì bị áp thuế chống phá giá, tiếp đó là thuế quan phổ cập, bây giờ càng khổ hơn bởi tất cả mọi thứ thuế, phí đều tăng. Một lô hàng trước đây chỉ có 5 loại phí thì nay tăng lên 15 loại phí. Xăng tăng giá 10% nên phí vận chuyển container mỗi chuyến cũng tăng hơn 2 triệu đồng... đó là chưa kể các loại phí không tên khó nói nhưng rất hao tốn khác”. Ông Đào Thế Sơn, Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Xuất khẩu Bình Dương, cho biết: “Các hãng tàu hiện đều đồng loạt tăng cước phí vận chuyển nên một số DN buộc phải hủy đơn hàng xuất khẩu, vì tính lại thấy không có lãi”!

Thủ tục hành chính,dịch vụ còn bất cập!

Nói về thủ tục hành chính, ông Đào Thế Sơn đưa ra so sánh: “Mặc dù Hải quan Bình Dương thực hiện vận tải đơn chở suốt là đúng theo quy định, nhưng TP.HCM, Đồng Nai lại thoáng hơn, nên các DN ở Bình Dương phải chịu thiệt thòi do bị tính phí cao hơn. Điều này vô tình tạo ra sự thiếu công bằng giữa DN ở Bình Dương và các nơi khác”. Đề cập vấn đề điện phục vụ sản xuất, ông Đào Thế Sơn, nói: “Các DN xuất khẩu còn gặp khó khăn do thường xuyên bị mất điện đột xuất, hỏi điện lực thì họ nói do sự cố bất ngờ! Điện chập chờn, DN phải cho công nhân nghỉ làm, ảnh hưởng đến sản xuất, tiến độ thực hiện đơn hàng”.

Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng Sáng Ban Mai, phản ánh khó khăn của DN khi “đụng” tâm lý chuộng ngoại, chê nội: “Khi chúng tôi tham gia đấu thầu các công trình thường bị loại ngay từ đầu chỉ vì chúng tôi là DN nội địa, cho dù chất lượng hàng chúng tôi sản xuất không thua kém hàng ngoại nhập, giá rẻ hơn đến 20%. Rất mong các cơ quan, đơn vị đừng kỳ thị hàng nội mà làm khổ DN trong nước, gây thiệt hại cho Nhà nước do mua hàng ngoại giá cao mà chất lượng chưa chắc đã tốt hơn hàng nội”.

Cùng với những bức xúc nêu trên, đại diện hiệp hội các ngành hàng gốm sứ, da giày, may mặc và các DN đều rất bức xúc trước tình trạng lao động “nhảy việc” để lạm dụng chế độ trợ cấp thất nghiệp, gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh, tiến độ thực hiện đơn hàng xuất khẩu. Các hiệp hội, DN kiến nghị Nhà nước cần có phần mềm quản lý lao động, tránh tình trạng lao động ăn lương 2 - 3 đầu, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, vừa gây ra nặng gánh cho xã hội!

Tại hội nghị tiếp xúc với DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm hứa sẽ hỗ trợ DN tháo gỡ các vấn đề bất cập thuộc thẩm quyền của địa phương và kiến nghị lên trên những vấn đề thuộc cấp vĩ mô. Phó Chủ tịch Trần Thanh Liêm, nói: “Để hạn chế tình trạng lao động “nhảy việc”, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngay quyết định lao động nghỉ việc phải có giấy tờ. Còn với các chính sách thuế thì DN phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Thuế. Đối với cước phí vận chuyển, tỉnh sẽ kiến nghị với Bộ Giao thông - Vận tải để có hướng hỗ trợ DN. Về việc ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước, từ lâu Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang... là sản phẩm sản xuất trong nước. Về điện, tỉnh sẽ nhắc nhở ngành điện phục vụ khách hàng tốt hơn. Riêng việc tổ chức các phòng triển lãm trưng bày để quảng bá thương hiệu cho các ngành hàng truyền thống, thủ công mỹ nghệ... tỉnh có thể hỗ trợ về mặt bằng”.

 

BẢO ANH

 

Bài 3: “Sóng gió” từ thị trường!

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên