Chiến khu Đ - Căn cứ địa huyền thoại

Bài 3: “Chiến khu Việt Bắc” của miền Đông Nam bộ

Cập nhật: 22-12-2016 | 09:34:23

Lịch sử Chiến khu Đ là lịch sử xây dựng căn cứ địa và hoạt động đáp ứng những nhu cầu của một căn cứ địa kháng chiến, một hậu phương chiến lược tại chỗ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Xuất phát từ nhu cầu của cuộc kháng chiến, Chiến khu Đ ngày càng được xây dựng mở rộng và phát triển hoàn chỉnh. Từ một khoảng rừng nhỏ thuộc huyện Tân Uyên phát triển thành vùng đất đai rộng lớn phía đông đường 13, nối liền với các căn cứ và vùng đất quan trọng trên các chiến trường xung quanh. Từ là nơi ẩn giấu một bộ phận vũ trang nhỏ phát triển thành căn cứ của tỉnh Biên Hòa, của Khu 7, Phân liên khu miền Đông và toàn Nam bộ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ nổi bật như là một trung tâm kháng chiến của toàn chiến trường miền Đông. Đó là nơi các lực lượng kháng chiến rút về củng cố xây dựng và tích trữ lực lượng làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến lâu dài, là “Chiến khu Việt Bắc” của miền Đông Nam bộ, nơi có các cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở và từ đó phát đi những chỉ thị, mệnh lệnh đến các vùng, các chiến trường; nơi xây dựng một xã hội mới, độc lập và dân chủ, nơi gửi gắm niềm tin, lòng tự hào của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở miền Đông Nam bộ nói riêng. Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận đến Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam bộ, trong đó thường xuyên nhất là tỉnh Biên Hòa, tỉnh Thủ Dầu Một và Khu 7. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng như đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Lê Đức Thọ... từ Trung ương vào Nam bộ và ngược lại đã đi an toàn qua Chiến khu Đ. Từ giữa năm 1952 đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây là đầu cầu của một đoạn đường vận tải chiến lược của Tiểu đoàn 320 từ vùng giải phóng Bình Thuận Khu 5 vào Nam bộ, nối thông mạch máu lưu chảy từ Trung ương đến khắp các chiến trường miền Nam.

Di tích lịch sử chiến khu Đ

Trong kháng chiến chống Mỹ, do đặc điểm, quy mô của cuộc chiến tranh biến đổi nên phạm vi, vai trò của Chiến khu Đ cũng biến đổi theo. Vùng rừng căn cứ ngày càng được mở rộng lên hướng Bắc và Đông Bắc và là căn cứ quân sự của ta trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Danh từ Chiến khu Đ (mở rộng) gắn liền với lịch sử thành lập và hoạt động của những đơn vị vũ trang mạnh, những tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và hàng loạt trận đánh, chiến dịch mà kết quả của nó đã góp phần tạo nên những bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của cuộc chiến tranh. Sự tồn tại và phát triển của Chiến khu Đ đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Địa bàn Chiến khu Đ là nơi xây dựng đứng chân của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, của LLVT từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục. Từ đây, đã ra đời những đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của miền Đông và của Xứ ủy như C50, C9, C80, C59, C200, C250, rồi tập trung thành Tiểu đoàn 800, Tiểu đoàn 500, Trung đoàn Đồng Nai. Đây cũng là nơi thành lập và đứng chân tác chiến của lực lượng quân chủ lực Miền như Trung đoàn 762, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7 và trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 là nơi tập kết của lực lượng Quân đoàn 1, Quân đoàn 4 trước khi tiến về giải phóng Sài Gòn.

Chiến khu Đ là một trong những hậu phương trực tiếp, tại chỗ của chiến trường Nam bộ và Khu 6, là đầu mối giao thông chiến lược từ Trung ương vào Nam bộ, là nơi tiếp nhận, cất giữ, chuyển phát cơ sở vật chất, cung cấp một phần vật lực cho cuộc kháng chiến. Mặc dù của ít người thưa, Chiến khu Đ vẫn luôn là một chỗ dựa tin cậy của các lực lượng kháng chiến với tư cách một hậu phương tại chỗ. Đất đai để trồng tỉa, sông suối cho cá tôm, rừng cho thịt động vật và cây lá cho củ, quả, thuốc chữa bệnh. Có những đơn vị cơ quan trong thời kỳ cam go nhất đã hoàn toàn sống nhờ vào sự cung cấp của thiên nhiên chiến khu. Và những làng công nhân cao su, những xóm ấp nông dân, những buôn sóc đồng bào dân tộc thiểu số là hệ thống pháo đài bảo vệ chiến khu, nơi mà các lực lượng cách mạng được che chở, nuôi dưỡng và bổ sung sức người, sức của. Hệ thống kho tàng dự trữ, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, sản xuất vũ khí và các ngành công nghệ khác trong chiến khu đã bảo đảm một phần quan trọng công tác hậu cần cho các lực lượng kháng chiến. Đồng thời, Chiến khu Đ là nơi tập kết của các lực lượng cán bộ Đảng, cán bộ quân sự của Trung ương chi viện hành quân vào Nam bộ. Sau khi xây dựng tuyến đường vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn, Chiến khu Đ là nơi tiếp nhận, cất giấu và chuyển phát, là một trạm trung chuyển sức người sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. 

Nơi ra đời Trung ương Cục miền Nam

Đầu năm 1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ cũ. Ngày 10-10-1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam được tổ chức tại Mã Đà, Chiến khu Đ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

 Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Cục đã đề ra 10 nhiệm vụ cụ thể của cách mạng miền Nam: Đẩy mạnh đấu tranh chính trị của quần chúng trên khắp vùng. Đẩy mạnh đấu tranh vũ trang phối hợp với đấu tranh chính trị, phá tan kế hoạch Stalây - Taylo của địch, chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa và đối phó với những âm mưu của địch. Tăng cường vận động binh lính và sĩ quan trong quân đội địch - đây là công tác có tính chiến lược cần quán triệt trong quá trình cách mạng. Đẩy mạnh công tác mặt trận và dân vận, tập hợp mọi lực lượng, mọi khả năng chống Mỹ - Diệm. Tiếp tục xây dựng và mở rộng căn cứ địa. Xây dựng và củng cố chính quyền ở vùng giải phóng. Đẩy mạnh công tác kinh tế, tài chính nhằm cải thiện đời sống của nhân dân, đáp ứng nhu cầu to lớn của cách mạng. Xây dựng và mở rộng cơ sở cách mạng ở thành thị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục. Củng cố, xây dựng phát triển Đảng và Đoàn. Những nhiệm vụ đó là sự cụ thể hóa đường lối của Trung ương, đồng thời phản ánh toàn diện những yêu cầu bức thiết đặt ra cho cách mạng toàn miền Nam những năm 1961-1962.

Các cơ quan tham mưu của Trung ương Cục được thành lập để đẩy nhanh tốc độ phát triển lực lượng cách mạng. Từ đây, những chủ trương, đường lối của Trung ương, của Bộ Chính trị cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được tỏa đi khắp nơi. Các chủ trương xây dựng phong trào, mệnh lệnh tác chiến cũng từ vị trí lịch sử này phát ra.

Tuy Trung ương Cục miền Nam ở Chiến khu Đ một thời gian không lâu (1961-1962), nhưng căn cứ kháng chiến này đã trở thành ý chí, biểu tượng cho lý tưởng giải phóng dân tộc, lòng quyết tâm của toàn Đảng bộ và quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Về phương diện chính trị, tinh thần, Chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của kháng chiến; tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân, là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam bộ nói riêng trong kháng chiến. “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất” là một đánh giá không chỉ về vị trí mà cả về vai trò, tác dụng của nó trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

P.V (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2368
Quay lên trên