Bài học lớn từ mâu thuẫn nhỏ

Cập nhật: 24-03-2014 | 00:00:00

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Vào khoảng 19 giờ ngày 30-9-2012, Quay, Toản, Hiền đến quán cà phê Ngọc Thảo tại đường DJ9, KCN Mỹ Phước 3, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát uống cà phê cùng nhóm bạn. Tại đây, nhóm của Quay gặp nhóm của Trịnh Hữu Tài, SN 1992, quê tỉnh Sóc Trăng; Trần Văn Tiến, SN 1994, quê Bạc Liêu và Lê Quang Long, quê Thừa Thiên - Huế cũng uống cà phê tại quán. Do Hiền và Tiến có quen biết trước nên đã chào hỏi nhau. Trong quá trình trò chuyện, Tiến có xen vào câu chuyện với nhóm của Quay với lời lẽ khiêu khích.

Tức giận, Quay quay sang bảo Toản đi tìm hung khí để đánh nhóm của Tiến, Toản liền sang quán tạp hóa gần đó và lấy được một con dao Thái Lan. Lúc này, Tài định chở Tiến đi mua dép, khi Tiến vừa lên xe thì Quay cầm ly thủy tinh đập vào đầu Tiến, bị đánh bất ngờ Tiến bỏ chạy thì Quay và Toản đuổi theo. Thấy bạn bị đánh, Long bước ra can ngăn cũng bị đánh; Quay và Toản tiếp tục đuổi đánh Tiến, Toản đã dùng dao đâm vào bụng Tiến một nhát, rồi cùng Quay về lại quán. Lúc này, Tài đang ở quán, thấy bạn bị hành hung nên tức giận hỏi to tiếng.

Nghe vậy, Quay và Toản liền xông vào đánh luôn, Tài bỏ chạy vào quán tìm cách chống trả thì bị Quay dùng ly thủy tinh đánh vào đầu, còn Toản dùng dao đâm vào bụng Tài một nhát khiến Tài khuỵu xuống. Ai đó lên tiếng tri hô “công an đến!” nên Hiền đã chở Quay và Toản bỏ trốn khỏi hiện trường. Do vết thương quá sâu gây thủng gan nên mặc dù được cấp cứu và chữa trị nhưng Tài đã tử vong; riêng Tiến, qua giám định, bị tổn hại sức khỏe 21%. Sáng ngày 1-10-2012, nghe tin Tài đã chết, Toản và Quay tìm cách bỏ trốn sang Campuchia. Sau 15 ngày ở nước bạn, Toản trở về Việt Nam và bị bắt vào ngày 29-12-2013; riêng Quay, sau gần 6 tháng lẩn trốn, đến ngày 13-3- 2013, Quay từ Campuchia về và ra đầu thú tại cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương.

Nghe qua cáo trạng, những người có mặt tham dự phiên tòa hôm ấy không khỏi giật mình vì sự xốc nổi, ngông cuồng và thiếu suy nghĩ của những kẻ đang đứng trước vành móng ngựa. Bắt đầu chỉ từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, những lời khích bác thiếu suy nghĩ đã khiến cho một mạng người phải vĩnh viển ra đi. Người dân có mặt trong phiên tòa cũng lạnh người và bất ngờ trước thái độ thờ ơ, vẻ mặt tỉnh rụi của hai bị cáo Phạm Thanh Quay và Trần Văn Toản.

Giọng nói của cả hai vẫn lạnh lùng, không chút run sợ và biểu hiện dằn vặt tâm tư khi trả lời những câu hỏi của HĐXX khiến cho người tham dự lo lắng về sự vô cảm và tàn nhẫn của số thanh niên này. Khi vị thẩm phán hỏi họ và gia đình có khắc phục hậu quả, đến thăm hỏi gia đình bị hại chưa, họ đều lắc đầu! Khi ấy, không ngớt những tiếng xầm xì, bàn tán vang lên. Thế nhưng khi HĐXX hỏi câu tiếp theo, thì tất cả mọi người đều hiểu được sự thờ ơ vô cảm đó bắt đầu từ đâu: “Từ lúc các bị cáo bị bắt đến nay đã gần 1 năm, gia đình các bị cáo đã đến thăm các bị cáo mấy lần?”.

Những câu trả lời “chưa đi thăm”, “chưa lần nào”! cũng khiến cho người tham dự phiên tòa xót xa thắt lòng. Đến đây, có thể thấy nút thắt của vấn đề đã được mở. Hỏi vì sao họ xốc nổi, ngông cuồng và tàn nhẫn, lạnh lùng như vậy? Trình độ học vấn của họ quá thấp, đều chỉ học lớp 4, lớp 5; gia đình lại không quan tâm dạy bảo, còn bé đã phải rời xa quê nhà đi tìm kế sinh nhai; sống trong nền tảng giáo dục như thế, họ dần hình thành tính cách bất cần và tàn nhẫn. Nhìn những khuôn mặt tuy tuổi đời còn trẻ nhưng họ đã sớm già dặn gió sương nhưng suy nghĩ vẫn còn ấu trĩ và non nớt; khiến mọi người cảm thấy chạnh lòng, “vừa giận, vừa thương”.

Về phía bị hại, Trần Văn Tiến cũng đã hồi phục sức khỏe và ra tham dự phiên tòa. Nói về chàng trai này, tuy là bị hại nhưng lại bị nhiều chỉ trích; bởi Tiến chính là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa hai bên; chỉ từ việc vô cùng nhỏ nhặt giờ lại trả giá bằng tính mạng của bạn mình. Hôm ra tòa, Tiến ngồi khép nép bên mẹ của Tài. Bà Huỳnh Thị Thiệp, đại diện của người bị hại cho rằng: Con trai mất đi, chỗ dựa duy nhất của bà trong quãng đời còn lại nay đã không còn nữa. Người mẹ bất hạnh mặc một bộ quần áo dòng Kito giáo bạc màu, nét mặt khắc khổ, già dặn hơn cái tuổi 46 của bà rất nhiều. Giọng bà run run, ngắt quãng khi nhắc đến con trai duy nhất đã chết oan ức không ít người tham dự phiên tòa này không cầm nước mắt. Bà nói với HĐXX, chỉ mong “xử đúng người đúng tội”, trả lại công bằng cho con của mình và làm gương cho những thanh niên “trẻ người non dạ” khác, để không ai phải chịu cảnh người tóc bạc khóc kẻ đầu xanh.

Kết thúc phiên toà sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên phạt Phạm Thanh Quay 18 năm tù; Trần Văn Toản 19 năm tù về các tội Giết người, Cố ý gây thương tích; Ngô Minh Hiền 9 tháng tù treo với tội không tố giác tội phạm. Ngoài ra, các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường 20.504.000 đồng chi phí điều trị cho bị hại Trần Văn Tiến, bồi thường 94 triệu đồng chi phí điều trị thương tích, chi phí mai táng và tổn thất tinh thần cho bà Huỳnh Thị Thiệp, mẹ bị cáo Trịnh Hữu Tài.

Cuối cùng rồi, làm sai tất nhiên sẽ phải trả giá trước pháp luật nhưng còn những tổn thất về tinh thần, tính mạng, lại còn mấy mươi năm đời người đành chịu hình phạt tù và những tổn thất nặng nề kia, liệu ai bù đắp nổi? Nhận rõ được điều này, mọi người cần rèn luyện và tu dưỡng bản thân mình, không vì mâu thuẫn nhỏ mà gây ra hậu quả đau lòng.

N.H

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=290
Quay lên trên