Bài thuốc gia truyền trị bệnh mẩn ngứa

Thứ bảy, ngày 17/05/2014
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Xin giới thiệu với bạn đọc bài thuốc gia truyền trị bệnh mẩn ngứa của bác sĩ Lương Tấn Thông, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh.

Ngứa da có thể do những bệnh sau đây gây ra:

Do tâm và mạch máu não

Những người bị xơ cứng động mạch não, sự đàn hồi của huyết quản giảm dẫn đến không thể cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho não, làm cho tế bào thần kinh khu vực này bị thiếu dinh dưỡng, chức năng cảm giác gặp trở ngại, gây ngứa da. Ở những người huyết áp cao, bệnh tim, tuần hóa máu kém, các chất trong mao mạch dưới da không được thải ra ngoài, kích thích tế bào thần kinh cảm giác dẫn tới ngứa da.

Do can (gan) và rối loạn nội tiết

Sau khi gan phát bệnh, sự bài tiết và vận chuyển dịch mật gặp trở ngại khiến sắc tố mật trong máu tăng cao, kích thích tế bào thần kinh cảm giác dưới da, dẫn tới ngứa da. Nồng độ đường trong máu của người bị tiểu đường tăng cao, làm tăng hormone tuyến giáp, có thể kích thích tế bào thần kinh cảm giác dưới da thông qua tuần hoàn máu, dẫn tới ngứa da.

Do loạn hệ thống bàng quang tiết niệu

Những người bị viêm thận hoặc suy thận mãn tính có chức năng thận kém hơn người bình thường, urê trong máu không được thải ra ngoài tốt. Khi urê trong máu đạt tới một nồng độ nhất định sẽ kích thích tế bào thần kinh cảm giác dưới da, dẫn tới ngứa da.

Do cơ quan sinh dục

Người đàn ông gặp rắc rối ở tinh hoàn dẫn đến lượng androgen quá thấp thì cũng dễ bị ngứa da. Tương tự như vậy, người phụ nữ gặp trục trặc ở buồng trứng cũng phải đối mặt với lượng estrogen thấp cũng gây ra triệu chứng ngứa da.

Bệnh ngoài da

90% số người mắc bệnh ngoài da như bệnh vảy nến, eczema, nổi mề đay, viêm da tiếp xúc… đều có triệu chứng ngứa da. Sở dĩ bệnh về da thường gây ngứa da là vì bệnh có liên quan tới chức năng của các cơ quan nội tạng.

Một khi các chức năng này bị cản trở thì rất có thể gây ra hậu quả biểu hiện ra ngoài là ngứa da. Bài thuốc có các vị sau:

- Nhân trần (có tính bình, vị đắng, hơi cay có tác dụng lợi mật, nhuận gan thông tiểu tiện): 8g.

- Cây chó đẻ (có vị ngọt, nhầy nhậy đắng, tính mát, có tác dụng trừ phong ngứa, thông tiểu tiện): 8g.

- Cây nhàu (có tác dụng lọc máu, sanh tâm): 6g.

- Cây chân vịt (vị hơi đắng, không mùi, tính lạnh, không độc có tác dụng lợi tiểu, tiêu thủng): 6g.

- Cây muồng trâu (chủ trị thông hơi, giáng khí, lược trường, tiêu thực): 4g.

- Cây mắc cỡ (vị ngọt, se, tính hơi hàn, có tác dụng an thần, êm dịu thần kinh): 6g.

- Kim tiền thảo (chủ trị thông tiểu tiện): 6g.

- Lạc tiên (chủ trị an thần, êm dịu thần kinh): 6g.

- Dây chiều (vị chua chát, tính bình. Chủ trị: thông tiểu tiện): 6g.

- Cây bí bái (có vị ngọt, thơm, hơi cay, tính bình. Chủ trị: lọc huyết, giúp tiêu hóa tốt): 6g.

- Dây chè lóng (tính chát vị lạc, trị thông tiểu tiện, tiêu hóa tốt): 6g.

Dùng dưới dạng thuốc thang: ngày uống 1 thang.

Cách dùng: Nước thứ nhất 4 chén sắc còn 1 chén, nước thứ nhì 3 chén sắc còn 8 phân. Thời gian dùng: 15 đến 30 ngày.

ĐỨC LÊ (thực hiện)