Bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy

Thứ tư, ngày 10/10/2012

Kỳ 1: Tràn lan truyện, sách thiếu đứng đắn

Hiện nay, thị trường truyện, sách ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng thị hiếu nhiều người. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận nhiều cuốn truyện, sách được các tác giả “sản sinh” mang xu hướng nhảm nhí, dung tục. Từ đó, tác động không nhỏ đến người đọc, đặc biệt là đối với lứa tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên.

 Sách lậu được bày bán khắp các nẻo đường Truyện thiếu nhi, nội dung người lớn!

Đọc truyện tranh, xem hoạt hình được xem là thú vui lớn nhất của thiếu nhi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều phụ huynh phản ánh có nhiều bộ truyện tranh thiếu nhi được xuất bản với nội dung quá đà, toàn chuyện “người lớn”. Dạo quanh các cửa hàng sách cũ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, Dĩ An và đặc biệt khu “làng đại học” (phường Đông Hòa, TX.Dĩ An)... tôi thật sự ngỡ ngàng bởi những cuốn truyện tranh được bày bán hoặc cho thuê với trang bìa gợi cảm, nội dung thiếu đứng đắn. Phần lớn truyện tranh tại các cửa hàng này đều không có bản quyền. Từ đó, làm “vẩn đục” những tâm hồn trong sáng bởi những hình ảnh, từ ngữ phản cảm, xa lạ với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Tiêu biểu có thể kể là những truyện dung tục, như: “Chàng trai trong truyện tranh”, “Ichigo - Kỷ niệm xanh”, “Hội học sinh”, “Girl Comics - Lần đầu trải nghiệm”, “Crazy kiss”, “Good kis - Nụ hôn đầu” do NXB Thanh Hóa xuất bản; “Lilim kiss”, “Mặt trời bé con” do NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản, “Gantz”, “Hậu duệ của Nuvavihyon (Hiroshi Shiibashi)”, “Công chúa Hoa Anh Đào (Arina Tanemura)”... Với những câu chuyện trên, nhiều hình ảnh “tươi mát” được tác giả phô bày một cách thô thiển trên chính các trang bìa hoặc chìm nổi bên trong nội dung. Bên cạnh những câu chuyện tưởng chừng dành cho thiếu nhi, còn có nhiều cuốn truyện được “đóng mác” cho teen với dòng chữ 13+, 14+, 15+... ngoài những tranh vẽ mát mẻ, còn có nhiều cảnh “nóng” như cảnh tắm, mặc đồ lót, ôm hôn, thậm chí có cả cảnh trên giường... Tất cả được vẽ rất chi tiết, khiến người lớn cũng phải... đỏ mặt!

Có những câu chuyện ngoài nội dung thô tục, hình ảnh gợi cảm, vấn đề về bạo lực trong cốt truyện cũng khiến nhiều phụ huynh lưu tâm. Điển hình như truyện “Siêu nhân Locke”, “Ninja loạn thị” với những từ ngữ mang đầy tính bạo lực như “quyết đấu”, “báo thù”, “cuộc chiến”... xuất hiện khá nhiều trong các cuốn truyện tranh này. Nội dung bên trong là những cuộc đánh nhau triền miên với những âm thanh như bùm, bụp, choeng, pằng... Hầu như nhân vật nào cũng được xây dựng mang trong mình “máu hiếu chiến” với con mắt nảy lửa, đầy căm thù. Điều đáng sợ là những cuốn truyện tranh kiểu này lại gây được sự chú ý, sự tò mò ở một bộ phận độc giả nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, không ít truyện tranh “chế” mang những nội dung đồi trụy, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng đang xuất hiện khá nhiều... Có thể thấy xã hội đang báo động tình trạng bạo lực học đường, phải chăng những tập truyện tranh kia cũng đã phần nào gây ra hậu quả đáng buồn đó. Vậy, trách nhiệm sẽ thuộc về ai (!?).

Em Trần Trà My, HS trường THCS Nguyễn Viết Xuân (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Thấy các bạn trong nhóm rủ nhau mua, mượn những câu chuyện có hình ảnh, nội dung rất tình cảm, em cũng mua theo. Tuy nhiên, khi đọc truyện không có gì hay, hình ảnh vẽ không đẹp, toàn những cảnh hôn nhau, chém nhau rất rùng rợn. Nội dung truyện làm em sợ và không đọc nữa”. Còn theo nhiều chủ cửa hàng sách cũ, họ cho biết bán hoặc cho thuê truyện nhưng không hề biết nội dung bên trong truyện. Bộ truyện nào được HS hỏi nhiều, họ đi tìm mua về bán để đáp ứng nhu cầu của các em, còn hoàn toàn không để ý đó là truyện có nội dung không đứng đắn!

Đi tìm giá trị nhân văn trong sách!

Không thể phủ nhận việc lớp trẻ tìm đọc những quyển sách tình cảm là điều hết sức bình thường, do sự phát triển tâm, sinh lý của các em. Quan trọng là làm thế nào để định hướng cho các em đọc những cuốn sách giáo dục tâm, sinh lý phù hợp tuổi mới lớn. Hiện nay, nhiều ấn phẩm dịch từ tiếng nước ngoài được phép lưu hành, có nội dung không phù hợp với lứa tuổi, văn hóa Việt Nam đang được bày bán khắp nơi, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các em. Cụ thể, các truyện: “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” (nhà văn Tào Đình - Trung Quốc, được Trang Hạ dịch và NXB Hội Nhà Văn cấp phép), “Hễ sướng thì hét lên”...

Bên cạnh sách nước ngoài, nhiều tác phẩm Việt Nam cũng được cấp phép xuất bản, nhưng nội dung chưa được kiểm duyệt. Trong đó, có tiểu thuyết “Sợi xích” của Lê Kiều Như, “Thoát y dưới trăng” của Thủy Anna, “Dại tình” của Bùi Bình Thi... các câu chuyện chủ yếu khai thác chuyện phòng the, thiếu tính văn học. Bên cạnh đó, một số tập thơ muốn lôi kéo bạn đọc cũng sử dụng những tên gọi thật “hot”, như: “Rỗng ngực”, “Đứt dải yếm”...

Bà Trương Thị Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, bức xúc nói: “Thấy những cuốn sách, truyện có hình ảnh nội dung thô tục, chúng tôi là phụ huynh rất lo ngại. Thế nhưng, không phải lúc nào phụ huynh cũng có thể kiểm tra con đọc gì, xem gì? Bởi vậy chỉ biết khuyên con không nên tìm đọc những cuốn sách không mang tính giáo dục. Hướng con đến những cuốn truyện, sách mang giá trị nhân văn”. Vấn đề văn hóa phẩm độc hại (VHPĐT) tràn lan không chỉ là nỗi lo của phụ huynh, mà chính các thầy cô giáo cũng phải đau đầu. Cô Trần Kim Anh, giáo viên một trường THPT ở Bến Cát, chia sẻ: “Mỗi lần lên đọc báo, cũng như tìm tư liệu để giảng dạy, tôi hết sức bất ngờ khi những tác phẩm kinh điển của Việt Nam, cũng như các nước bị “chế” thành câu chuyện xoay quanh vấn đề tình dục rất thô thiển. Hiện nay, các em HS từ tiểu học đến trung học đều biết truy cập mạng. Do các em chưa ý thức được nên thấy gì lạ là xem, thậm chí tải về máy rủ bạn bè cùng xem. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, lối sống của các em, có khi dẫn đến hành vi bạo lực và lối sống thoải mái về tình dục”.

Bên cạnh sự xuất hiện của những cuốn truyện, sách có nội dung thô tục, những tờ báo, tạp chí thiếu đứng đắn cũng đang là mối lo ngại cho sự phát triển tâm sinh lý của lớp trẻ khi liên tục “thêm dầu vào lửa” bằng những hình ảnh, từ ngữ “câu” độc giả. Cụ thể “Bồ cũ tai tiếng của C.Ronaldo “phơi” ngực trần” (ngoisao.net đăng ngày 26-8), “Mỹ nhân khoe ảnh sexy khi đi biển” (ngoisao. net đăng ngày 24-8); hoặc trang mạng new.zing.vn với những tít câu khách “Tạ Thiên Hoa bị bắt gặp tình tự với hoa hậu trong xe” (đăng ngày 22-8), “Những chân dài có vòng 1 “khủng” nhất Cbiz” (đăng ngày 25-8); hay trên trang văn hóa tờ báo điện tử uy tín Vnepress.net với những tin, bài có nội dung không mấy văn hóa “Celine Dion bán khỏa thân ở tuổi 44” (đăng 24-8), “Natalie Portman khỏa thân khoe đường cong vệ nữ” (23-8)...

 Nhiều cuốn sách, tạp chí đã đi quá xa với mục đích “câu khách” bằng tình dục Tình hình phát tán VHPĐT hiện nay đang diễn biến phức tạp, công khai đã ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Vì vậy, việc kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc của các cơ quan chức năng để xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh là hết sức cần thiết.

Tại Hội nghị báo cáo tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy - mại dâm - AIDS - văn hóa phẩm độc hại và phòng chống mua bán người (PCTPMT-MD-AIDS- VHPĐH-PCMBN) năm 2011 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2012 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị, chỉ đạo trong năm 2012, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh, quán triệt các chỉ thị, thông tư của Trung ương và Tỉnh ủy về phòng chống tội phạm; tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân và người dân; gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các khu phố; khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm; kiện toàn ban chỉ đạo các cấp; tăng cường kiểm tra giám sát đối với các huyện, thị, xã, phường, thị trấn trong công tác PCTPMT-MD-AIDS-VHPĐH-PCMBN. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh sắp xếp thành viên giám sát ở các địa bàn trọng điểm; thành lập quỹ phòng chống tội phạm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBMTTQVN tỉnh tham mưu UBND tỉnh khen thưởng các khu nhà trọ văn hóa, những cá nhân điển hình làm tốt công tác phòng chống các loại tội phạm nói trên...

Thiên Lý