Bạn có biến Facebook thành kho dữ liệu công khai về mình?

Cập nhật: 18-06-2015 | 08:18:22

Bạn chia sẻ gì trên Facebook của mình? Có khi nào bạn giật mình nhận ra mình đang biến trang cá nhân thành kho dữ liệu công khai về bạn?

 
 

Và nếu những người có mục đích xấu tiếp cận được với kho dữ liệu này, điều gì sẽ xảy ra?

Theo một thống kê mới đây, mỗi ngày có 20 triệu người Việt dùng Facebook với thời gian trung bình là 2,5 giờ.

Đang ở đâu, làm gì, với ai: chia sẻ tuốt

Nhờ Facebook, chúng ta rất dễ biết được tin tức của bạn bè, giữ được liên lạc dù không cần gặp nhau thường xuyên ngoài đời thực, xây dựng được những mối quan hệ trong cộng đồng mạng, nhưng nếu không cẩn trọng thì rất có thể những gì chia sẻ hôm nay là mối nguy hiểm ngày mai cho chính bạn.


			Người Việt thường xuyên lướt mạng xã hội mỗi ngày - Ảnh minh họa: Internet

Người Việt thường xuyên lướt mạng xã hội mỗi ngày - Ảnh minh họa: Internet

Ông Trần Quang Chiến, giám đốc Công ty An toàn thông tin và truyền thông Việt Nam (VNIST), cho biết những thông tin nhạy cảm mà nhiều người chia sẻ hằng ngày trên Facebook như check in địa điểm đang ở, số nhà, những dữ liệu cá nhân như số điện thoại, ngày sinh, hình ảnh, địa chỉ các thành viên trong gia đình, tài sản có giá trị vừa mới mua… sẽ tiếp tay cho những kẻ có mục đích xấu làm hại chủ nhân của Facebook đó.

“Những kẻ có mục đích xấu sẽ khoanh vùng được bạn ở đâu, làm gì, bạn đang có tài sản gì trong tay. Vô tình những điều bạn chia sẻ trên trang cá nhân lại gây bất lợi và nguy hiểm cho bạn”, ông Chiến nói.

Ngoài ra, ông Trần Quang Chiến còn cảnh báo thêm rằng nhiều tài khoản Facebook còn liên kết với tài khoản email của người dùng, nếu kẻ xấu truy cập được vào địa chỉ mail đó thì những thông tin lưu giữ ở tài khoản mail cũng sẽ bị đánh cắp và sử dụng vào những mục đích bất lợi cho chủ nhân Facebook.

Ông Trần Quang Chiến cũng khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng khi nhấp vào những đường dẫn (link) trên Facebook vì rất có thể thông tin bạn tiếp cận là thông tin chưa được kiểm chứng hoặc bạn sẽ bị hacker đánh cắp tài khoản và dùng tài khoản đó vào những việc phi pháp, lừa đảo.

Bác sĩ Lâm Hữu Tài, trưởng phòng khám tâm thần, Trung tâm Y tế dự phòng quận 1, cho biết những người nghiện Facebook sẽ dành rất nhiều thời gian và sự chú tâm cho thế giới mạng và xao nhãng đi cuộc sống thực của mình. “Quá tập trung vào Facebook sẽ xáo trộn cuộc sống của con người. Việc này kéo dài có thể làm họ thiếu tập trung, ăn không ngon và làm việc không hiệu quả".

Chuyên gia tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân cũng đưa ra cảnh báo các vị phụ huynh nên cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ hình ảnh, thông tin của con mình trên mạng xã hội.

Chị Vân kể: “Có một phụ huynh chia sẻ với tôi rằng trước đây chị có đăng một bức ảnh khá vui nhộn khi con trai mình đang tắm lên Facebook. Những người bạn của chị cũng vào bình luận khá hài hước. Tuy nhiên, khi cậu bé này biết chuyện thì phản ứng rất gay gắt và giận mẹ rất lâu”.

Theo chuyên gia Vũ Cẩm Vân, ngoài việc rò rỉ thông tin cá nhân có thể gây hại cho con thì tình cảm gia đình cũng có thể bị sứt mẻ nếu đứa con không đồng tình với việc người mẹ đăng tải hình ảnh của mình lên mạng xã hội.

Tự bảo vệ mình trong thế giới mạng

Trò chuyện với TTO về vấn đề này, diễn viên Kim Huyền cho biết mình từng chia sẻ khá nhiều trạng thái vui buồn, hạnh phúc, tức giận của bản thân lên trang cá nhân. Tuy nhiên, “tự dưng sau đó nhìn lại mình lại thấy bất an khi chia sẻ quá nhiều điều về bản thân ở nơi công cộng như vậy”, Kim Huyền nói.

Nữ diễn viên cho biết sau này mình rất hạn chế đưa những cảm xúc cá nhân hoặc những thông tin cá nhân như đang ở đâu, làm gì, cùng với ai lên Facebook. Theo chị, những bất trắc có thể xảy ra đều để lộ những điều đó.

Đồng tình với quan điểm này, bạn Thu Thắm (TP.HCM) cho rằng sẽ khó lòng kiểm soát được việc ai là người tiếp cận và họ sử dụng những thông tin cá nhân mà mình đăng tải vào mục đích gì.

“Thế nên tốt nhất là nên tự hỏi bản thân mình có nguy cơ gì tiềm ẩn hay không nếu mình viết một câu, đăng một bức hình hay chia sẻ một đường link”, Thu Thắm nói.


			Infographic thông tin cơ bản về lượng người dùng VN trên mạng xã hội Facebook - Nguồn: Facebook công bố ngày 16-6

Infographic thông tin cơ bản về lượng người dùng VN trên mạng xã hội Facebook - Nguồn: Facebook công bố ngày 16-6

Bên cạnh đó, việc chia sẻ những đường dẫn hoặc thông tin mang tính chất cảnh báo cộng đồng cũng được Kim Huyền cân nhắc rất kỹ vì “có thể đó là thông tin chưa kiểm chứng hoặc không đúng sự thật, nếu mình đăng tải thì sẽ góp phần làm lan truyền những tin đồn nhảm, những chuyện giật gân”, nữ diễn viên cho biết.

“Mình cảm giác như đã được giải thoát khi không còn sử dụng Facebook nữa”, Thu Thắm đúc kết lại câu chuyện của mình.

Bạn kể: Có một mặc định là trên Facebook thể hiện gì thì người ngoài đời thực y như vậy. Chẳng hạn mình viết một dòng trạng thái rất vu vơ, không buồn không vui gì cả nhưng bạn bè gặp mình luôn hỏi mình bị sao vậy, đang gặp chuyện gì buồn à. Dần dà những cảm xúc tiêu cực đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống thực của mình.

“Rất dễ xảy ra hiểu lầm khi chúng ta mặc định dòng trạng thái của người nào đó được viết bằng giọng điệu hằn học, tức giận, trong khi bản thân người viết hoàn toàn không có ý như vậy. Rõ ràng môi trường giao tiếp chỉ đơn thuần là văn tự, thiếu đi những sự thấu hiểu từ cách nói, cách nhìn sẽ dẫn đến những suy diễn, hiểu lầm không đáng có”, Thu Thắm bày tỏ.

Hãy dùng Facebook đơn giản như một công cụ

Nhiều bạn đọc có cùng quan điểm rằng hãy xem Facebook như là một công cụ giao tiếp và kết nối, giữ liên lạc với mọi người, đừng biến mình thành “con nghiện Facebook” hoặc đặt mình vào tình thế hiểm nguy khi sử dụng.

Một bạn đọc chia sẻ mình từng là “con nghiện Facebook”. “Mỗi ngày trong tuần cứ đi làm về là lại lượn lờ Facebook cả buổi tối. Cuối tuần thì hầu như liên tục hóng hớt trên đấy. Mà nào có phải rảnh rỗi gì cho cam, chẳng qua là làm qua quýt việc nhà, ăn uống qua loa để dán mắt vào nó. Một thời gian sau, tôi cảm thấy mình quá phí phạm thời gian vàng bạc vào chuyện không đâu của những ải những ai xa lắc xa lơ”, bạn đọc kể.

Bạn đọc Nguyen Viet Trung chia sẻ “kinh nghiệm đau thương” khi chơi Facebook của mình: Trước đây bạn bè tôi hay nói giỡn là tôi mua đất, làm nhà trên Facebook rồi. Ngày nào cũng gởi status, rồi chờ xem ai like, ai comment... Riết hồi chừng một năm, có đứa nhắn tin nói mày quá rảnh, rảnh thành bịnh rồi, mâm nào cũng có... Tôi thấy xấu hổ với lời nhắn đó và từ đó tôi lao vào làm việc, khi nào thấy thực sự rảnh mới lướt sơ Facebook để xem tình hình bạn bè ra sao.

Bạn đọc Lương Khánh viết: Những người nói dùng Facebook mất thời gian là những người bị nghiện, không làm chủ được bản thân. Việc sử dụng Facebook giống như là một thứ văn hóa, tốt hay xấu do con người sử dụng nó. Tôi cũng dùng Facebook nhưng tôi dùng theo cách của tôi, đó là không quan tâm những thứ mình không thích và không lấy thời gian của việc khác để vào Facebook chơi.

Bạn đọc Nguyen Quang thì đánh giá Facebook là một phương tiện liên lạc rất tốt nếu sử dụng đúng cách. “Tôi có 5 đứa con hiện đang học và làm việc ở nước ngoài, nhờ có Facebook mà cả gia đình tôi vẫn họp giao ban đều đặn vào cuối tuần, gửi hình ảnh hoạt động trong tuần cho nhau... Tốt hay xấu, lợi hay hại là do cách chúng ta nhận thức và sử dụng như thế nào mà thôi”, bạn đọc viết.

Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Thac Van cho rằng nhờ Faceboook, bạn bè mấy mươi năm thất lạc tìm lại được nhau, khi cần có thể báo tin ngay cho nhóm bạn mà mình không có số điện thoại hoặc chia sẻ kêu, gọi sự giúp đỡ một hoàn cảnh...

Theo TTO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1038
Quay lên trên