Băn khoăn việc quy định lãi suất cơ bản trong luật

Thứ sáu, ngày 21/05/2010

Sáng 21-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Có hay không quy định về lãi suất trong dự thảo Luật là nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội.

Có nên quy định về lãi suất hay không?Xung quanh nội dung này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất như dự thảo Luật là không quy định về lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện điều hành thị trường tiền tệ bằng các công cụ chính sách như: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn. Doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất tại VIB Bank.

 

Các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện chính sách lãi suất thoả thuận theo nguyên tắc thị trường. Khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách quy định cơ chế lãi suất cụ thể để các tổ chức tín dụng thực hiện.

 

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác.

 

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) tán thành quan điểm hướng tới điều tiết lãi suất trong điều kiện bình thường phải điều tiết theo quan hệ thị trường, quan hệ cung cầu.

 

Đại biểu đánh giá, trong hai năm vừa qua, chúng ta sử dụng lãi suất trong điều kiện không bình thường. Không thể lấy điều không bình thường để chế định một điều bình thường trong tương lai. Lãi suất lên, xuống của thị trường tiền tệ là tùy thuộc vai trò của Ngân hàng Nhà nước Trung ương trong vấn đề thực hiện nhiệm vụ của nghiệp vụ thị trường mở.Ngân hàng Nhà nước tăng tổng cung tiền hay giảm tổng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng hay giảm dư nợ tín dụng thì lãi suất phải điều chỉnh theo.

 

Thực tế cho thấy không thể điều khiển một thị trường tiền tệ bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, trong điều kiện bất thường phải dùng biện pháp hành chính như quy định của dự thảo Luật là đúng, đại biểu nhấn mạnh.

 

Đại biểu nhận xét trong điều kiện hiện nay, tình trạng cho vay nặng lãi vẫn xảy ra. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này, đại biểu đề xuất khi bàn về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nên làm rõ vai trò của các tổ chức tín dụng vi mô, các hợp tác xã tín dụng, chính sách của Nhà nước, vai trò của Ngân hàng chính sách, Ngân hàng phát triển để giải quyết cung cầu về vốn trên thị trường chứ không thể giải quyết bằng biện pháp hành chính.

 

Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) đề nghị, Quốc hội cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định bỏ lãi suất cơ bản. Đại biểu kiến nghị nếu quyết định bỏ lãi suất thì phải có lý lẽ rất rõ ràng là có còn duy trì tội cho vay lãi nặng trong Bộ luật Hình sự không? Nếu không thì cũng phải kịp thời sửa những quy định này. "Nếu không có lãi suất cơ bản thì điều đó cũng có nghĩa là tội cho vay lãi nặng cũng không có căn cứ để cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện quy định của Bộ luật hình sự" - đại biểu viện dẫn.

 

Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) cho rằng có giữ hay không giữ lãi suất cơ bản cần phải được tổng kết, lý giải một cách thỏa đáng. Theo đại biểu vấn đề lãi suất cơ bản hiện nay rất quan trọng đối với đất nước, hai năm qua khi khủng hoảng kinh tế, chúng ta đã áp dụng lãi suất cơ bản để điều tiết trên thị trường. Đại biểu đề xuất cần phải tổng kết, nhưng trước mắt cần phải giữ lãi suất cơ bản ở trong quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

 

Bàn về vấn đề này, đại biểu Trần Thế Vượng đề nghị xem xét "thẩm quyền quyết định chính sách" hay "thẩm quyền thực hiện chính sách".

 

Theo đại biểu là "quyết định" chứ không phải "quyết định thực hiện." Đại biểu đề nghị nên cân nhắc khi đưa ra khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia. Khi đưa ra khái niệm này có hai cụ thể hóa: một là, mục tiêu được biểu hiện; hai là các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

 

Vì trong khi Hiến pháp nói "Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia", nhưng trong luật này chúng ta lại chỉ quyết định chỉ tiêu lạm phát như vậy lại vướng - đại biểu phân tích.

 

Đại biểu Phan Trung Lý cho rằng chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định Điều 84 của Hiến pháp là thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định và những gì thuộc chính sách tiền tệ quốc gia thì phải do Quốc hội quyết định.

 

Đại biểu tán thành với phương án tiếp thu trong dự thảo luật nêu chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bao gồm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng và các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

 

Nhưng đại biểu Phan Trung Lý không tán thành với ý tiếp theo là "gồm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát". Theo đại biểu, chính sách tiền tệ Quốc gia không thể ở chỉ tiêu lạm phát và sau đấy có các công cụ khác nữa.

 

Nếu như nói Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ Quốc gia thì Quốc hội không chỉ quyết định chỉ tiêu lạm phát, theo tôi, chỉ tiêu lạm phát dù là lạm phát lành mạnh dưới 5% hay lạm phát tiêu cực trên 5% thì đấy không phải là chính sách tiền tệ mà đấy chỉ là biểu hiện, yếu tố, hậu quả chính sách tiền tệ mà thôi - đại biểu nói.

 

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tán thành với quan điểm phải bảo đảm quyền quyết định về chính sách tiền tệ quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Một số trường hợp cụ thể giao cho Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

 

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội.

 

THEO TTXVN