Ghi nhận ở các hệ thống siêu thị, trong sáu tháng đầu năm hầu hết đều có tăng trưởng về mặt doanh thu, song lợi nhuận lại giảm.
Có ý kiến cho rằng, năm 2011 là năm tồi tệ nhất của ngành bán lẻ hàng công nghệ thông tin.
Bà Nguyễn Thị Hải, giám đốc siêu thị Hà Nội cho biết, lãi trung bình trong ba tháng gần đây của siêu thị Hà Nội (quận 1, TP.HCM) là 3%. Bà Hải nói thêm, lãi còn được chừng ấy cũng là nhờ nhiều nhà cung cấp hàng cho trả chậm, nếu phải vay vốn lãi suất 1,4%/tháng từ các ngân hàng quen để mua hàng, thì lãi chỉ còn hơn 1,5%.
Từ lãi ít đi
Theo tính toán của bà Hải, mức doanh thu tương đương năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì doanh thu đang bị giảm, trong khi đó chi phí điện từ mức 70 triệu năm ngoái nay tăng lên 130 triệu đồng/tháng, chi phí lương nhân viên cũng tăng gấp đôi… nên lãi giảm gần một nửa.
Ở hệ thống siêu thị Co.opmart, theo ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, ngoài việc lợi nhuận giảm do chi phí kinh doanh tăng, còn do nhà kinh doanh phải đầu tư các chương trình khuyến mãi để thu hút khách. Chi cho khuyến mãi, giảm giá của hệ thống Co.opmart tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Kế toán trưởng một hệ thống siêu thị tiết lộ: doanh thu sáu tháng đầu năm tăng 15%, chủ yếu do tăng giá (theo tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong sáu tháng qua tăng gần 14%). Còn lãi gộp chỉ tăng 4% so với năm ngoái.
Lãi giảm, nhưng điều các nhà kinh doanh lo hơn cả là sức mua từ đầu tháng 7 đến nay lại đang có dấu hiệu chựng lại. Phó giám đốc một siêu thị cho biết: “Trong tháng 4 và tháng 5, mỗi ngày có bình quân gần 4.000 lượt khách đến mua hàng, nhưng từ đầu tháng 7 đến nay chỉ còn hơn 2.500 lượt khách/ngày”. Còn theo đánh giá của bà Hải, sức mua có thể đã giảm gần 20% so với đầu năm.
Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark cho biết, với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, doanh thu vẫn tăng đều hàng tháng trên 10%. Các nhóm hàng được người tiêu dùng liệt vào dạng không nhất thiết phải mua ngay, như hàng gia dụng, quần áo, chăn drap gối, doanh số giảm từ 20 – 40% tuỳ thương hiệu.
Theo tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bảy tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 1.065,8 tỉ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,6%. Mức tăng 4,6% này, có phần đóng góp đáng kể của gần 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích mới khai trương từ đầu năm 2011 đến nay. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, tổng thư ký hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, mức tăng như thế rất thấp so với mức trung bình khoảng 15 – 20% như những năm trước đây.
Đánh giá kinh tế đang khó khăn, người dân siết chặt chi tiêu, có hệ thống siêu thị đã phải tiến hành họp khẩn cấp giám đốc kinh doanh trên toàn quốc để bàn biện pháp giữ chân khách hàng, đảm bảo không giảm doanh thu, thương lượng với nhà cung cấp để thực hiện chiến dịch khuyến mãi lớn kéo sức mua…
Đến lỗ
Với nhóm hàng điện máy, công nghệ thông tin, điện thoại, sức mua còn giảm mạnh hơn. Theo giới kinh doanh nhóm hàng này tại thị trường TP.HCM, sức mua các mặt hàng trên so với tháng 3.2011 mức giảm dao động từ 20 – 50%, tuỳ theo ngành hàng. Trong đó, nhóm hàng máy lạnh giảm mạnh nhất, khoảng một nửa. “Vẫn còn bán được hàng là nhờ vào tháng 5 do có đợt nắng nóng gay gắt nhưng từ tháng 6 trở lại đây, hầu như mặt hàng này bán rất chậm. Có ngày chỉ bán được vài bộ”, giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy nói.
Giám đốc chiến lược của một hệ thống kinh doanh hàng kỹ thuật số và công nghệ thông tin tại TP.HCM than vãn: “Năm nay là năm tồi tệ nhất của ngành bán lẻ hàng công nghệ thông tin”. Vị giám đốc này cho biết thêm, mỗi tháng, hệ thống bán lẻ này lỗ ít nhất là 1 tỉ đồng, từ tháng 3 cho đến nay chưa thấy tháng nào có lãi. Theo một nguồn tin riêng, nhiều nhà bán lẻ hàng công nghệ thông tin khác tại TP.HCM cũng đang có nguy cơ đóng cửa vì thua lỗ.
Ông V., giám đốc một công ty phân phối hàng điện thoại di động tại TP.HCM chia sẻ: nếu không tính vốn đầu tư vào hệ thống bảo hành, cửa hàng giới thiệu sản phẩm thì năm nay coi như huề vốn, còn tính vào cầm chắc lỗ nặng.
Bà Hoàng Ngọc Vy, giám đốc Viễn Thông A cho biết: “Năm nay có thể đạt doanh số nhưng lợi nhuận sẽ giảm ít nhất là 20%”. Theo bà Vy, sức mua tại TP.HCM đang giảm mạnh nhưng nhờ vào thị trường các tỉnh đang tăng trong cơ cấu doanh số của nhà bán lẻ này nên họ vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, bà Vy từ chối cung cấp thông tin lợi nhuận từ đầu năm cho đến nay bằng con số cụ thể.
Theo SGTT