Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 07-12-2020 | 07:29:56

Thực hiện định hướng phát triển của tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút, xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong KCN, cụm công nghiệp. Nhờ vậy, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, nỗ lực vượt khó của DN, hoạt động SXKD trong các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định.

 

Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, các DN trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định lao động, khôi phục SXKD

 Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, đến nay Bình Dương có 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.670 ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.970,5 ha. Các KCN đã cho thuê đất với tổng diện tích hơn 6.664 ha, tỷ lệ lấp đầy 87,37%, có 2.933 dự án còn hiệu lực, trong đó có 77,6% số dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2020, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đầu tư, mở rộng nhà xưởng SXKD, như: Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn đầu tư máy móc thiết bị sản xuất gia công giày thể thao (25,3 tỷ đồng); Công ty TNHH Công nghiệp dệt Huge - Bamboo đầu tư máy móc thiết bị sản xuất gia công dệt nhuộm và in hoa lên vải (48 tỷ đồng); Công ty TNHH Chí Hùng đầu tư máy móc thiết bị sản xuất giày (21,5 tỷ đồng); Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất bình ắc quy (191,5 tỷ đồng); Công ty TNHH SNP đầu tư mua nhà xưởng sản xuất và may gia công hàng may mặc (30,1 tỷ đồng); Công ty TNHH Vision International đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất gậy đánh golf (125,8 tỷ đồng)…

Để thu hút nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh và các đơn vị liên quan chủ động xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào nghiên cứu, đầu tư tại địa bàn KCN tỉnh. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang xin thủ tục, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng, có chọn lọc; đồng thời, chủ động làm việc để thông báo cho nhà đầu tư nắm được quan điểm, chủ trương trong thu hút đầu tư của Chính phủ và của tỉnh.

Với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, nỗ lực vượt khó của DN, hoạt động SXKD trong các KCN vẫn được duy trì ổn định. Trong năm, chủ đầu tư các KCN đã đầu tư cơ sơ hạ tầng với tổng vốn trên 208 tỷ đồng; cho thuê lại đất với tổng diện tích 266 ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,31 tỷ đô la Mỹ (chiếm 60% toàn tỉnh) và 6.755 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Theo ông Shim Myeong Sup, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KoLon Industries Việt Nam, đứng trước nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất khan hiếm do dịch bệnh, công ty đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường nguồn nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất, đáp ứng kịp thời các đơn hàng đã được ký kết. Đồng thời tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện công ty vẫn duy trì được số lao động làm việc với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ. Hiện nay, công ty đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, sử dụng nhiều phương thức giao thương mới và tìm thêm được nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh cùng với các sở, ngành thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc DN, nhà đầu tư các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Thông qua các chương trình hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà cho DN đến đầu tư tại các KCN. Đến nay, 100% TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư vào KCN được đưa vào tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KCN được đăng ký thực hiện thẩm định, phê duyệt tại chỗ; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 47/47 TTHC.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đang tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN, duy trì hoạt động SXKD sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ các DN FDI đưa các chuyên gia, lao động nước ngoài đến địa bàn làm việc, hỗ trợ tuyển dụng lao động địa phương và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh lao động trong các DN…

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh chia sẻ, với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN, các DN của tỉnh nói chung và DN tại KCN tỉnh nói riêng vẫn giữ được nhịp SXKD, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh giải pháp hỗ trợ DN, các KCN trong tỉnh đang chuẩn bị điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia sở hữu công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=493
Quay lên trên