Bàn về lễ phát ấn đền Trần: Vẫn chưa ngã ngũ

Cập nhật: 19-07-2011 | 00:00:00

Một lần nữa hội thảo về mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định, do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Nam Định tổ chức ngày 18-7, lại “xới lên” những quan điểm trái chiều xung quanh nhận định về lễ hội đền Trần, nguồn gốc, nghi thức các hoạt động khai ấn, phát ấn. Dù “đề bài” rất rõ ràng là có nên hay không việc phát ấn trong lễ hội đền Trần và việc phát ấn sẽ được tổ chức như thế nào, song sau rất nhiều ý kiến đăng đàn, hội thảo vẫn chưa tìm được lời giải.

Phát hay không phát ấn?

Theo nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật (VHNT), với mô hình tổ chức lễ hội đền Trần như hiện nay có 3 vướng mắc lớn cần giải quyết. Đó là nhận thức của người dân về giá trị chiếc ấn đền Trần không đúng với thực chất của nó; phương án tổ chức chưa đáp ứng được số lượng người tham dự, chưa lường hết các rủi ro khi tổ chức một sự kiện có quá đông người tham dự; và cuối cùng là vướng mắc về tổ chức một sự kiện văn hóa, khi chúng ta quá kỳ vọng vào nó trong khi điều kiện tổ chức sự kiện còn hạn chế.

 Trong khi Viện VH-NT đưa ra 2 phương án: Không tổ chức phát ấn và vẫn khai ấn theo nghi lễ nhưng phát ấn trong vài ngày sau và trình bày vấn đề này trong một đề án công phu thì một số cụ cao niên đại diện cho người dân sở tại, cùng đại diện họ Trần Việt Nam kiên quyết mong muốn lễ hội đền Trần vẫn diễn ra đúng theo truyền thống. Nghĩa là vẫn sẽ phát ấn ngay sau lễ khai ấn.

Thậm chí, khi PGS-TS Nguyễn Chí Bền dẫn ra chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh trong cuộc làm việc với tỉnh Nam Định ngày 19-3, rằng: “Nhất trí tiếp tục thực hiện lễ khai ấn đền Trần theo nghi lễ truyền thống và không tổ chức phát ấn vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm”, thì TS Trần Mạnh Quảng - Chủ tịch Hội đồng Trần tộc Việt Nam cho rằng: “Ý kiến của đồng chí Bộ trưởng nên để tham khảo, thảo luận chứ không phải là quyết định”.

Theo ông, quan niệm việc khai ấn không chỉ là việc linh thiêng, mà còn mang ý nghĩa lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay. Vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng về thắp hương ở đền Trần thuở kháng chiến. Đổi giờ phát ấn là duy ý chí, vì không linh thiêng, không mang tính truyền thống, dân gian.

Phản bác mạnh mẽ ý kiến muốn duy trì việc phát ấn, TS Nguyễn Hồng Kiên - Viện khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Không có lễ khai ấn nào như mọi người vẫn nói. Việc khai ấn không hề dính dáng đến chiến công của nhà Trần cũng như tinh thần yêu nước”. Theo ông, những quả ấn ở đền hiện không có ý nghĩa về lịch sử cũng như di sản. Hơn nữa, ấn có giá trị với dân làng Lộc Vượng chứ không phải với đất nước như gần đây chúng ta hiểu sai. Theo ông cần chính thức phủ nhận về lễ khai ấn đầu xuân vì việc thưởng công ban tước sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông xảy ra ở Thăng Long, không phải ở Nam Định và sau đó còn lễ nữa chỉ có thưởng lụa, không có khai ấn. Đời Trần việc phong quan tước cực kỳ cẩn thận, không có chuyện ban thưởng hàng năm.

Quan điểm của TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản được đánh giá là ôn hòa hơn khi ông cho rằng nên bàn về lễ khai ấn đặt trong bối cảnh khu di tích. Lễ hội phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc rất riêng của Việt Nam, không thể không quản được thì cấm. Không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Lại chờ?

Là người nhiều năm theo dõi về vấn đề di sản, TS Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng cần có cái nhìn rộng hơn chuyện khai ấn hay phát ấn. Theo ông, còn nhiều cái hay và đặc trưng nữa rất đáng được quan tâm, thực hiện để lễ hội đền Trần thực sự mang đậm bản sắc văn hóa triều Trần. “Việc tuyên truyền quá đà về giá trị chiếc ấn, đã tạo tâm lý mê tín về vấn đề công danh, lợi lộc. Không nên tạo sự cuồng tín về chiếc ấn. Nên phát ấn vào hôm sau để đảm bảo tính tôn nghiêm, cũng như tạo điều kiện cho khách thập phương được tham dự vào nhiều hoạt động hội lễ vui vẻ khác chứ không nên chỉ chăm chú vào khai ấn và phát ấn, đó là thiếu sót của lễ hội”.

Theo ông, việc tổ chức lễ hội nên duy trì, còn việc khai ấn nên làm trong hậu cung hay giữa sân để mọi người cùng chứng kiến. Lễ khai ấn chỉ có một thời điểm, nhưng số lượng ấn không nên hạn chế. Vì ý nghĩa tâm linh nên được tổ chức ở nơi rộng rãi để nhân dân được cùng chứng kiến và cùng tham gia, đúng với ý nghĩa của lễ hội dân gian.

Trọn một ngày làm việc căng thẳng với nhiều ý kiến trái chiều, hội thảo kết thúc khi mà giải pháp nên tổ chức lễ hội đền Trần năm tới như thế nào thì vẫn chưa ngã ngũ.

Chưa có một biện pháp nào cụ thể về việc phát ấn Đền Trần sau đêm 14 tháng Giêng. Và từ nay đến khi có quyết định chính thức, sẽ còn nhiều ý kiến về việc bỏ hẳn hay tiếp tục phát ấn. Song, từ lâu lễ hội khai ấn ở Đền Trần đã trở thành lễ hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân và mang tầm quốc gia. Bởi vậy, dẫu thế nào, việc phát ấn cũng là sản phẩm của tín ngưỡng văn hoá, có giá trị văn hoá riêng. Chỉ có những người thiếu ý thức tham gia lễ hội đã chen lấn, xô đẩy trong cuồng tín là làm xấu nét văn hoá của lễ hội.

Bởi vậy, dù tiếp tục phát ấn Đền Trần nữa hay không thì điều quan trọng hơn cả là ngành văn hoá phải coi trọng công tác tuyên truyền, để người dân tham gia lễ hội hiểu đúng về việc phát ấn. Vì chỉ khi hiểu đúng bản sắc văn hoá thì mới bảo tồn và phát huy được giá trị của văn hoá.

"Cậy quyền, cậy tiền để xin ấn thì sẽ không thiêng. Chúng sinh bình đẳng trước thần linh. Thậm chí, theo tín ngưỡng dân gian, thần linh còn nâng đỡ những người nghèo khó, thua thiệt nhưng thiện tâm. Bởi vậy, việc xin ấn hay phát ấn phải xuất phát từ tâm thành. Phát ấn phải là phát trong Đền Trần, có sự chứng giám của Đức Thánh Trần thì mới thiêng, chứ phát ở “chuồng cọp” như hiện nay thì vô nghĩa”, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền.

Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=265
Quay lên trên