Bang ở Mexico tiêu thụ nhiều Coca-Cola nhất thế giới

Thứ bảy, ngày 17/08/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Coca-Cola là đồ uống phổ biến trên toàn thế giới, nhưng không nơi nào tiêu thụ loại này nhiều hơn ở bang Chiapas của Mexico. Tại đây, trung bình mỗi người uống 821,2 lít Coca-Cola mỗi năm, gấp khoảng 32 lần mức trung bình toàn cầu.


Ảnh minh hoạ

Theo trang Oddity Central (Anh), người dân Chiapas tiêu thụ nhiều Coca-Cola hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh - khoảng 2,2 lít mỗi ngày, khiến đây trở thành loại đồ uống phổ biến hơn cả nước lọc.

Tại Chiapas, Coca-Cola được bán và quảng cáo hầu như ở khắp mọi nơi trong tiểu bang và có giá rẻ gần như nước lọc. Hầu hết mọi người ở đây không sử dụng Coca-Cola như đồ ăn vặt, mà như một cách để giữ nước cho cơ thể trong suốt cả ngày. Thậm chí, nhiều người không hề hay biết rằng họ đã “nghiện” loại thức uống này từ khi nào.

Loại nước giải khát mang tính biểu tượng này đã có mặt ở Chiapas trong hơn nửa thế kỷ, ăn sâu vào văn hóa địa phương và thậm chí trong cả tập tục tôn giáo, đến nỗi mọi người không thể tưởng tượng cuộc sống của họ sẽ ra sao nếu thiếu loạinước giải khát này.

Mức tiêu thụ Coca-Cola trung bình hàng năm ở Mexico là 160 lít/người, cao hơn đáng kể so với ở Mỹ, ở mức 100 lít/người và cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu hàng năm là 25 lít/người.

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2019 của Trung tâm nghiên cứu đa ngành Chiapas và biên giới phía Nam (Cimsur), tiểu bang cực nam của Mexico, cho biết người Chiapas uống trung bình 821,25 lít Coca-Cola mỗi người mỗi năm. Tức là mỗingười uống gần 16 lít mỗi tuần hoặc 2,2 lít mỗi ngày.

Sự phổ biến của Coca-Cola ở Chiapas có thể bắt nguồn từ những năm 1960, khi giới chức bản địa địa phương bắt đầu kiểm soát các hạn chế để phân phối các loại đồ uống giải khát như Coca và Pepsi. Những nhà lãnh đạo tôn giáo này bắt đầu thay thế nước chữa bệnh truyền thống hoặc đậu mùa được sử dụng trong các nghi lễ thiêng liêng bằng đồ uống có đường. Không lâu sau đó, Coca-Cola đã trở thành biểu tượng của sức mạnh tâm linh cũng như một loại thuốc chữa bệnh thần kỳ.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Coca-Cola mở một nhà máy sản xuất bên ngoài thành phố San Cristóbal de las Casas. Không chỉ rẻ hơn nhiều, mà hoạt động tiếp thị loại đồ uống có đường này cũng được thúc đẩy, bao gồm các biển quảng cáo có hình người mẫu bản địa, khẩu hiệu bằng tiếng bản địa và các điểm bán hàng hầu như ở khắp mọi nơi. Tệ hơn nữa, nhà máy này còn ký hợp đồng dài hạn sử dụng 1,14 triệu lít nước mỗi ngày, trong khi nhiều người dân địa phương chỉ được tiếp cận nước uống vài lần một tuần.

Marcos Arana, bác sĩ tại Chiapas, nói với tờ The Guardian rằng tình trạng “nghiện” Coca-Cola ở bang Chiapas rất nghiêm trọng vì người dân tiêu thụ đồ uống nà từ rất sớm. Dữ liệu cho thấy 15% trẻ em bản địa từ 1 đến 2 tuổi, 3% trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường xuyên uống nước ngọt.

Thật không may, sự phổ biến này đã dẫn đến “đại dịch nước ngọt” ở Chiapas và gây hậu quả nghiêm trọng. Bệnh tiểu đường gây ra khoảng 3.000 ca tử vong mỗi năm, khiến đây trở thành nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ hai trong bang, và việc tiêu thụ quá nhiều đường đang gây sâu răng ở cả trẻ em và người lớn.

Đáng buồn thay, những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe này không đủ để khiến mọi người ngừng uống Coca-Cola, và một số người tin rằng việc khiến người dân Chiapas từ bỏ loại đồ uống mang tính biểu tượng này có thể là một điều khó khăn.

Ông Jaime Page Pliego, tác giả của nghiên cứu Cimsur tiết lộ mức độ “nghiện” Coca-Cola của Chiapas, cho biết một số người mắc bệnh tiểu đường vẫn tiếp tục uống loại nước ngọt này, mặc dù họ hoàn toàn nhận thức được những rủi ro.

“Ngay cả những người mắc bệnh tiểu đường cũng thừa nhận rằng họ vẫn tiếp tục uống loại đồ uống này, Họ không thể tưởng tượng được cuộc sống không có nước ngọt. Đây thực sự là một thảm kịch”, ông nói.

Theo TTXVN

Từ khóa: