Các nhà sản xuất trong nước đang phấn khởi trước một mùa vụ tết “làm không kịp bán” trong khi bánh kẹo ngoại khá yên ắng.
Đến thời điểm này, mặt hàng bánh kẹo tiêu thụ nhiều nhất vẫn là qua kênh giỏ quà biếu.
"Cháy" hàng
Nhận định về mùa vụ Tết Canh Dần, ông Hoàng Đăng Tiến, Phó Tổng Giám đốc SoniFood, cho biết thị trường hút hàng quá khiến công ty trở tay không kịp. “Bắt đầu từ cuối tháng 12 sức mua trên thị trường đột ngột tăng mạnh, dù có lượng hàng dự trữ vượt chỉ tiêu 200 tấn chúng tôi vẫn bị thiếu hàng, nhà cung cấp nguyên liệu cũng không đáp ứng được”, ông Tiến cho biết.
Ngay từ đầu mùa Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) đã chuẩn bị 400 tấn bánh kẹo các loại đưa ra thị trường tết, tuy nhiên hiện công ty đang trong tình trạng "cháy" hàng, trong đó hút nhất là dòng bánh cao cấp Goodies và Hura Heli.
Để đáp ứng các đơn hàng mới, hiện Bibica phải mở dây chuyền sản xuất thêm những mẻ hàng mới. Ông Nguyễn Hồng Quân, phụ trách marketing Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa, cho biết: “Vấn đề của chúng tôi hiện nay là bao bì hộp thiếc bởi bánh kẹo có thể sản xuất thêm nhưng bao bì lại không kịp về, phải mất bốn ngày nữa lô hàng bao bì hộp thiếc, hộp bìa cứng mới về tới nhà máy”.
Các đơn hàng đặt thêm sau này chủ yếu từ siêu thị hoặc những đơn vị có nhu cầu biếu tặng. Theo ông Quân, nhờ chính sách giữ giá tốt nên bánh kẹo nội không chỉ thuyết phục được người tiêu dùng bình dân mà ngay cả dòng cao cấp cũng được khách hàng tín nhiệm.
Lý giải cho tình trạng “cháy" hàng của các doanh nghiệp nội, ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng Giám đốc Kinh Đô, nói năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước đã tốt hơn. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng chính là các doanh nghiệp bánh kẹo VN đã đầu tư nghiêm túc cho chất lượng, đưa ra nhiều sản phẩm mới phục vụ thị trường, giải tỏa mối e ngại của người tiêu dùng về chất lượng, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chọn mua bánh kẹo tết ở một quầy bán trên đường Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM).
Bánh ngoại giảm mạnh
Hiện tại thị trường mua sắm đang bước vào những ngày cao điểm nhất của năm. Trong tuần lễ cận tết sức mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo, tăng đột biến khi người tiêu dùng đẩy mạnh mua sắm tết cho gia đình và biếu tặng, công nhân viên xa nhà mua quà về quê biếu tết.
Dù nhận định luôn có một thị phần nhất định cho các sản phẩm bánh ngoại bởi vẫn còn nhiều mẫu mã, hương vị bánh nội chưa thể đáp ứng nhu cầu, nhưng các nhà nhập khẩu vẫn không lường được sự sụt giảm mạnh mẽ của bánh ngoại nhập. Giá bánh nội khá mềm, hộp thiếc vuông cao 58.000 đồng/hộp, hộp thiếc tròn 43.000 đồng/hộp, trong khi cũng trọng lượng tương đương bánh ngoại lên đến 79.000-88.000 đồng/hộp cũng là yếu tố làm giảm sức mua của bánh hộp ngoại.
Giám đốc kinh doanh của công ty chuyên nhập khẩu thực phẩm ĐV cho biết ngay trước thời điểm tết hai tháng, tỉ giá đồng USD tăng mạnh, việc vay USD từ ngân hàng khó khăn khiến các nhà nhập khẩu chùn tay vì sợ ôm hàng. Lượng hàng đưa vào siêu thị giảm 30% so với mọi năm, trong khi các điểm bán lẻ ngoài thị trường chỉ nhập hàng vừa mức an toàn do phải trả tiền liền tay.
Chọn nơi mua hàng tin cậy
Dù đã được cảnh báo về sự nguy hại của các loại bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không hạn sử dụng nhưng tình trạng vỏ hộp nhập ngoại, còn ruột bên trong không rõ nguồn gốc sản xuất vẫn tiếp tục xảy ra.
Gần đây lại xuất hiện thêm hình thức nhập khẩu bánh, kẹo để sang từ hộp nguyên gốc thành các hộp, gói nhỏ có trọng lượng nhỏ hơn, thay đổi tên hiệu và tăng thêm hạn sử dụng so với nhãn gốc.
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi, bộ môn dinh dưỡng ĐH Phạm Ngọc Thạch, bánh kẹo nhập khẩu về sau đó sang chiết thành bao bì nhỏ ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Một khi mở bao bì ra trong điều kiện vệ sinh không an toàn, chắc chắn sản phẩm sẽ bị nhiễm vi sinh.
(Theo Tuổi Trẻ)