Báo chí Cách mạng Việt Nam: 90 năm song hành cùng đất nước - Bài 2 

Cập nhật: 13-06-2015 | 10:42:24

Bài 2: Sứ mệnh lịch sử

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) với cương lĩnh đúng đắn, sáng tạo đã soi đường, chỉ lối cho mỗi bước đi của cách mạng. Hoạt động văn hóa - tư tưởng, trong đó có báo chí trở thành một công cụ, một vũ khí sắc bén, có hiệu quả trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng với các nhà báo năm 1960. Ảnh: chinhphu.vn

Trong thời kỳ 1930-1945, báo chí cách mạng Việt Nam đã tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân đường lối, chủ trương của Đảng; đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù; cổ vũ, động viên truyền thống anh hùng cách mạng và chủ nghĩa yêu nước. Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 cũng đánh dấu thắng lợi to lớn đầu tiên của báo chí trên trận tuyến cách mạng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự đi lên không ngừng của báo chí cách mạng bước sang một giai đoạn mới. Hoạt động của báo chí được tạo điều kiện tốt nhất, được tôn trọng quyền tự do dân chủ, tiếp tục trở thành vũ khí sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Báo chí thời kỳ này có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng, phong phú về thể loại, sinh động về nội dung.

Về cơ cấu, báo chí tồn tại nhiều loại hình, bao gồm báo chí của Trung ương (của Chính phủ, Quốc hội, của Đảng, Tổng bộ Việt Minh, các hội, đoàn thể); báo của kỳ bộ, xứ ủy; báo cấp tỉnh, thành; báo chí của các cơ quan, đơn vị. Những tờ báo cách mạng ra đời trước tháng 8-1945 tiếp tục phát triển và trở thành nòng cốt trong hệ thống báo chí của thời kỳ này như báo Cứu quốc, Sự thật, Độc lập, Lao động. Đặc biệt, thời kỳ này cũng đánh dấu sự ra đời của một số cơ quan báo chí mới, bổ sung quan trọng vào hệ thống báo chí cách mạng nước ta. Có thể kể đến là sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam (ngày 7-9-1945), Thông tấn xã Việt Nam (ngày 15-9-1945). Sự ra đời của hai cơ quan báo chí này đã làm phong phú, đa dạng các loại hình báo chí, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hàng loạt cơ quan báo chí chuyển lên chiến khu. Điều kiện hoạt động của các tờ báo gặp vô cùng khó khăn, nhưng tất cả những phóng viên, biên tập viên của các tờ báo đều nhanh chóng hòa nhập với đời sống khó khăn, thiếu thốn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều tờ báo chủ lực đã ra đời như báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ… Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, báo chí cách mạng đã luôn bám sát thực tiễn cuộc sống, cùng chia sẻ gian khổ, hiểm nguy với nhân dân, bộ đội, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến. Nhà báo lúc này không chỉ làm nhiệm vụ thông tin đơn thuần mà họ đã trở thành những chiến sĩ thực thụ, trực tiếp cầm súng ra trận và không ít người đã hy sinh anh dũng trên chiến trường. Trong chiến tranh ác liệt, mỗi dòng tin báo chí, mỗi tiếng nói trên Đài Tiếng nói Việt Nam trở nên vô cùng quý báu, có sức mạnh to lớn trong việc động viên, củng cố niềm tin, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là nhân dân vùng địch hậu. Nhờ đó, báo chí đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ (ngày 7-5-1954).

Với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, hòa bình được lặp lại ở miền Bắc, nhưng một nửa nước ở miền Nam vẫn chưa được giải phóng. Đế quốc Mỹ đã lập nên chính quyền thân Mỹ do Ngô Đình Diệm đứng đầu, với âm mưu biến nước ta trở thành một thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Trong điều kiện, hoàn cảnh đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động báo chí tiếp tục phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, đặc biệt là ở các đô thị, các thành phố lớn. Báo chí thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thực hiện song song hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Để tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động, ngày 20-5-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban bố Luật số 100SL/00. Đây được coi là luật báo chí đầu tiên của chúng ta. Luật đã khẳng định trách nhiệm của báo chí và nhà báo cách mạng: “Báo chí dưới chế độ ta, bất kỳ là của một cơ quan chính quyền, đảng phái chính trị, đoàn thể nhân dân hoặc của tư nhân cũng đều là công cụ đấu tranh của nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Thực hiện tôn chỉ, mục đích đó, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động của báo chí tập trung vào việc đấu tranh chống kẻ thù đang rắp tâm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chống đàn áp, trả thù những người kháng chiến cũ. Khẩu hiệu đấu tranh của nhân dân được phản ánh qua báo chí là đòi đối phương thả tù chính trị, đòi thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước như Hiệp định Giơnevơ đã quy định. Báo chí đã góp tiếng nói quan trọng trong việc thu hút, cổ vũ, động viên quần chúng xuống đường mít tinh, biểu tình trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, báo chí đề cao tinh thần lao động quên mình, xây dựng cuộc sống mới, vượt qua thách thức. Nhiều tấm gương, đơn vị điển hình được đưa lên báo chí. Nhiều phóng viên, biên tập viên đã đi đến những vùng đất khác nhau, thâm nhập cuộc sống, tận mắt chứng kiến không khí lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các địa phương. Thông qua việc thâm nhập thực tế, báo chí đã đề xuất nhiều vấn đề quan trọng trong chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, nâng cao năng xuất lao động...; góp phần định hướng về nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới; xác định đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật của thời đại cách mạng và là bước phát triển tất yếu của dân tộc.

Song song với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, báo chí đã ra trận cùng nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Các tờ báo đều đưa nhiều tin, bài phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Nam, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân; đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù… Tiêu biểu trong số đó là các tờ Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thống nhất, Cứu quốc.

Trong giai đoạn cả nước có chiến tranh (1965-1975), báo chí tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng và Chính phủ. Nhiều chỉ thị, thông tư của Đảng được đưa ra nhằm chỉ đạo, định hướng hoạt động của báo chí; đồng thời, Đảng và Chính phủ cũng ra nhiều chỉ thị về công tác hoạt động của các tờ báo quan trọng như báo Nhân dân, Tạp chí Học tập, Đài Tiếng nói Việt Nam… Thông qua đó, thống nhất được sự nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Mỗi tờ báo đã trở thành người tuyên truyền, cổ động, tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí tư tưởng và hành động từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo đến mỗi người dân, hướng tới mục tiêu đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai. Đặc biệt, vào năm 1970 báo chí có thêm một loại hình mới là đài truyền hình. Ngày 7-9-1970, Đài Truyền hình Việt Nam ra đời. Từ đây nhân dân ta tiếp nhận thông tin qua một kênh báo chí bằng hình ảnh với những ưu thế đặc biệt mà không loại hình nào có được. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, báo chí đã ra sức phản ánh không khí chiến đấu, lao động của quân và dân trong cả nước. Nhiều phóng viên, biên tập viên bất chấp bom đạn, đã xông pha đến những mặt trận nóng bỏng, nguy hiểm nhất để đưa tin, viết bài về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta, góp phần tuyên truyền cho bạn bè thế giới hiểu rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã xóa bỏ chế độ thuộc địa kiểu mới mà đế quốc Mỹ dựng nên ở miền Nam, đưa tới thống nhất nước nhà. Dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có được thắng lợi vẻ vang đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp to lớn, xứng đáng của báo chí trên trận tuyến văn hóa - tư tưởng.

 Bài 3: Phát huy truyền thống, vươn lên cùng đất nước hội nhập 

ĐÀM THANH (tổng hợp) 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1507
Quay lên trên