Hôm qua (5-5), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc đánh giá công tác báo chí năm 2010 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên BCT, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư. Tham dự hội nghị còn có gần 500 đại biểu là lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành T.Ư, đại diện lãnh đạo TP.Hà Nội, TP.HCM, lãnh đạo các ban tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố, báo, đài, tạp chí trong toàn quốc.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị
Theo đánh giá, trong năm 2010, hoạt động báo chí ngoài những thuận lợi cơ bản còn có những khó khăn nhất định. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin mạng, cạnh tranh thông tin diễn ra gay gắt, nền kinh tế trong nước gần đây tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều diễn biến khó khăn phức tạp đã tác động nhất định đến hoạt động báo chí, giá cả đồng loạt tăng nhanh nhất là giá điện, giá giấy, giá sinh hoạt đã gây khó khăn cho việc in ấn, phát sóng, phát hành và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đội ngũ những người làm báo. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đã nỗ lực vươn lên, cố gắng duy trì hoạt động, tính đến tháng 3-2011 về báo in cả nước có 745 cơ quan với 1.003 ấn phẩm, về phát thanh - truyền hình có 67 đài với 200 kênh chương trình trong nước và 67 kênh chương trình nước ngoài, về thông tin điện tử có 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử. Cũng tính đến tháng 3-2011 cả nước có 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, nhiều phóng viên, biên tập viên có trình độ chính trị - chuyên môn nghiệp vụ khá đã góp phần đưa nền báo chí Việt Nam tiếp cận với những chuẩn mực của nền báo chí chuyên nghiệp và hiện đại. Về thông tin trên báo chí, trong năm qua báo chí Việt Nam đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước cũng như quốc tế, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân... Bên cạnh những ưu điểm trên, trong năm qua báo chí cũng còn những tồn tại, thiếu sót như: Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị không phù hợp với lợi ích của quốc gia, của nhân dân làm kẻ hở cho thế lực xấu lợi dụng xuyên tạc, thông tin sai sự thật, dung tục, phản cảm, đưa quá nhiều tin vụ án, tin tiêu cực, giật gân câu khách, thực hiện vi phạm bản quyền, sai giấy phép, một số nhà báo còn vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của báo giới Việt Nam...
Tham luận tại hội nghị nhiều đại biểu đại diện cho cơ quan chỉ đạo, quản lý và báo chí đã thẳng thắn đưa ra các quan điểm đánh giá về hoạt động báo chí trong năm cũng như những kiến nghị nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá, trong năm qua, hoạt động báo chí diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú, đa dạng. Tuyệt đại đa số các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước.
Nhấn mạnh năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ quan báo chí cần tập trung thực hiện trong năm 2011, cụ thể là tuyên truyền việc học tập, quán triệt, đưa văn kiện Đại hội XI sớm đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền cho 2 tuần cao điểm, cũng là chặng quan trọng nhất của bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Đồng thời, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Kết luận số 02/KL-TW của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Báo chí cũng cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về các ngày kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2011, như tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, 70 năm Người trực tiếp trở về lãnh đạo Cách mạng Việt Nam gắn với tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ngoài ra, đồng chí Trương Tấn Sang cũng yêu cầu, báo chí cần tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; chủ động, tích cực, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị...
Tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang cũng đã trao đổi, trả lời, làm rõ các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, lãnh đạo một số cơ quan thông tấn báo chí.
NGUYỄN HUỲNH