Vị trí, vai trò của báo chí trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, là cầu nối giữa ý Đảng lòng dân, tạo sự đồng thuận của xã hội, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước... đã được các cơ quan báo chí trong tỉnh thể hiện rõ nét. Các cơ quan báo chí đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xứng đáng là “người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể... tổ chức tập thể”.
Ông Lê Hữu Phước (đứng), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ông Đặng Minh Hưng (ngồi giữa), Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc mừng Đài PT-TH Bình Dương nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2018). Ảnh: H.VĂN
Trong những năm qua, cùng với các cơ quan báo chí Trung ương có phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Tạp chí Lao động, Tạp chí Văn nghệ, Trang thông tin điện tử của tỉnh đã tích cực tuyên truyền sâu rộng nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực, phản ánh hơi thở cuộc sống tại Bình Dương. Ở Báo Bình Dương, mỗi người làm báo đều chủ động tích cực bám sát thực tế cơ sở để kịp thời phản ánh các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng ở các địa phương, đơn vị. Nhiều phóng viên đã lặn lội đến những vùng nông thôn xa xôi của tỉnh phản ánh những bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những cách làm hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trên Báo Bình Dương đã hình thành thường xuyên các chuyên mục xây dựng Đảng, học tập và làm theo Bác, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống… Với bà Phạm Thị Lý (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), cán bộ lão thành cách mạng, Báo Bình Dương đã trở thành một tư liệu sinh hoạt, tuyên truyền quan trọng, giúp bà hình thành thói quen đọc báo và xem đây là nhu cầu thiết yếu thường nhật, nhằm nâng cao trình độ nhận thức chính trị, tìm hiểu và quan sát được những cách làm hay trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Còn Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Dương đã nỗ lực mở các chuyên trang chuyên mục về công tác xây dựng Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Ông Đỗ Văn Trung, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cho biết, hiện tại với 9 kênh và 120 đầu chương trình, Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Dương đã đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng trong và ngoài tỉnh. Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương là kênh quan trọng thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, đài đã góp phần tuyên truyền, định hướng cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ vững bản lĩnh người cộng sản, thực sự là tấm gương sáng trong cuộc sống để quần chúng noi theo.
Ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá, một trong những nhân tố quan trọng tạo nên kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh Bình Dương đạt được trong những năm qua là nhờ có sự góp phần của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, tạo sự thống nhất về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của tỉnh. Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là báo chí tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, phản bác lại những luận điệu sai trái trước các thế lực thù địch.
Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, báo chí đã góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Báo chí phản ánh việc thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng trong cuộc sống; phản ánh tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được báo chí trong và ngoài tỉnh phản ánh kịp thời, nhất là những tấm gương sáng của tập thể và cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hàng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây vừa là niềm vinh dự lớn, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo. Ông Lê Hữu Phước cho rằng, trong thời gian tới, để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cơ quan báo chí trong tỉnh cần tập trung tuyên truyền sâu rộng việc triển khai tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) và các kế hoạch đề án của tỉnh về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng như phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của người dân đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, nhằm góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng và trong toàn xã hội.
“Các nhà báo cần rèn luyện đạo đức tác phong, kỹ năng nghề nghiệp, tích cực thâm nhập, bám sát thực tiễn cuộc sống, toàn tâm, toàn ý để thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền của cơ quan báo chí. Mỗi người cầm bút cần phát huy tinh thần yêu nghề và có đạo đức cách mạng trong sáng, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xứng đáng là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân...” ông Lê Hữu Phước nói.
HỒ VĂN