“Bạo chúa khát máu” Joseph Kony.
Joseph Kony, bạo chúa người Uganda, đang là một cái tên được nhắc tới rất nhiều trên thế giới bởi y là kẻ gây dựng được một trong những đội quân trẻ em lớn nhất trong lịch sử và khét tiếng vì cầm đầu phiến quân đã giết hại hàng nghìn người. Hơn 25 năm trước, Joseph Kony bỗng dưng mất hút trong rừng và kể từ đó, đội quân của tên này đã xóa sổ nhiều ngôi làng, đốt cháy nhà có trẻ con bên trong với những tội ác man rợ như cắt tai, môi, miệng của những người vô tội nhằm răn đe những ai muốn trình báo.Lực lượng của Kony ban đầu nổi lên ở miền Bắc Uganda, nhưng giờ đã lan rộng đến bốn quốc gia và những khu vực ngoài vòng pháp luật ở Trung Phi.
Trong vụ mới nhất, phiến quân của Kony đã tấn công một ngôi làng ở Cộng hòa Trung Phi, bắt cóc nhiều trẻ em và mang đi một số thứ cần thiết cho cuộc sống trong rừng. Hắn cũng cho bắt giết voi để lấy ngà nhằm đổi vũ khí, đạn dược và thực phẩm trong quá trình lẩn trốn. Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã ra thông báo truy nã Joseph Kony với 12 tội danh bao gồm tội ác chống lại loài người và 21 tội danh về tội ác chiến tranh.
Như tin tình báo cho biết, Joseph Kony được nhìn thấy lần cuối cùng vào tháng 9/2012 ở khu vực gần biên giới Sudan. Hiện các lực lượng biệt kích được Mỹ tăng cường cùng với hàng nghìn binh lính châu Phi khác đang tích cực tham gia vào một trong những chiến dịch săn lùng lớn nhất từ trước tới nay với mục tiêu: tiêu diệt hoặc bắt sống đối với một trong những thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố nguy hiểm đang nổi lên ở châu Phi.
Thủ lĩnh phiến quân khát máu
Joseph Kony là người thuộc bộ tộc Acholi, sinh năm 1961 tại làng Odek, phía đông tỉnh Gulu, miền Bắc Uganda. Cha mẹ Kony đều là nông dân nhưng vô cùng mê tín và thực hành những tôn giáo quái dị. 15 tuổi, Kony bỏ học và chuyển sang giúp lễ nhà thờ Cơ Đốc giáo trước khi hành nghề phù thủy vài năm sau đó.
Lực lượng phiến quân LRA.
Tháng 1/1986, Kony cầm đầu một nhóm thanh niên người Acholi, liên kết với các cựu binh thuộc Mặt trận Giải phóng quốc gia Uganda, tiến hành cuộc đột kích đầu tiên nhắm vào quân đội Chính phủ Uganda ở thành phố Gulu để cướp vũ khí.Cuộc đột kích thành công dẫn đến sự ra đời của "Đội quân cứu vớt linh hồn" (UHSA) do Kony lãnh đạo. Năm 1992, Kony đổi tên UHSA thành "Đội quân kháng chiến của Chúa" (LRA) với quân số khoảng 104 nghìn người. Khi mới nổi lên, Kony muốn LRA thiết lập một chính phủ mới "thần quyền", tuyên bố tham vọng cai trị đất nước bằng mười điều răn trong kinh thánh thay vì hiến pháp. Nhưng đội quân ấy dần trở thành lực lượng được ví như một giáo phái giết người. Để tránh sự truy lùng của quân đội Uganda, LRA phải thường xuyên di chuyển từ làng này sang làng khác.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Kony vi phạm từng điều răn một, đặc biệt là điều răn cấm giết người. Kony thường đội tóc giả và trang sức màu mè, tự nhận là đấng tiên tri có quyền năng huyền bí, được các linh hồn giúp đỡ nhằm lòe bịp người dân.
Theo điều tra của Tổ chức Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã có khoảng 30 nghìn phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục cho đội quân của Kony (bản thân Kony có 88 bà vợ), khoảng 28 nghìn người đã bị LRA giết chết và 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, vào tạm cư trong các trại tị nạn để trốn chạy LRA.
Nạn nhân phải hứng chịu nhiều đau khổ nhất chính là trẻ em, đội quân của Kony đã bắt cóc hơn 70 nghìn đứa bé suốt hàng chục năm qua. Thuộc hạ của hắn ta cày nát những làng mạc nghèo khó, cắt môi, bắt cóc và tẩy não trẻ em để biến chúng thành những cỗ máy giết người. Khi bắt cóc trẻ em, Kony và quân đội của hắn thường giết chết tất cả những người trong gia đình họ để những trẻ em này không còn sự lựa chọn nào khác. Joseph Kony đã biến các bé trai thành những cỗ máy giết người, các bé gái thành vợ hay nô lệ tình dục, trấn áp chúng bằng một nỗi sợ hãi tột độ đến mức phải phục tùng ông chủ.
Năm 2006, quân đội Uganda đánh đuổi Kony ra khỏi Uganda, buộc hắn phải ẩn náu tại vùng biên giới vô luật pháp nằm giữa Cộng hòa Dân chủ Congo (gọi tắt là Congo), Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Tháng 12-2008, Bộ tư lệnh mới của quân đội Mỹ tại châu Phi (Africom) đã vạch kế hoạch tấn công căn cứ của Kony ở Congo. Do lộ tin tình báo, Kony kịp trốn thoát trước cả khi trực thăng vũ trang của Uganda cất cánh. Tuy nhiên, các đạo quân LRA đã kịp giết hàng trăm người dân vô tội để trả thù. Khi quân đội Uganda rà soát căn cứ của Kony, họ chỉ còn thấy những túp lều bị đốt cháy và sọ người bị đập nát.
Một thời gian ngắn sau đó, Kony đồng ý trả lời một cuộc phỏng vấn từ một địa điểm không được tiết lộ nằm sâu trong rừng. Kony thường khoe khoang là chỉ cần có 10 người đàn ông trung thành là có thể phục hồi lại lực lượng. Những tuyên bố ngạo mạn của Kony trong cuộc phỏng vấn càng thúc đẩy người Mỹ, Chính phủ Uganda, Nam Sudan, Trung Phi và Congo quyết tâm tiêu diệt tên tội phạm chiến tranh nguy hiểm nhất thế kỷ XXI này.
Nói như một viên chức Mỹ: "Chỉ có một cách kết thúc sớm việc này là bắn Kony từ phía sau hoặc đẩy hắn vào thế phải trốn chui trốn nhủi trong rừng già cho đến chết".
Tội ác của Joseph Kony đã trở thành nguồn cảm hứng để Tổ chức từ thiện Invisible Children (Những đứa trẻ vô hình) thực hiện bộ phim tài liệu KONY dài 30 phút nhằm kêu gọi thế giới chú ý đến tình cảnh của trẻ em ở Uganda đang bị LRA bắt cóc, tra tấn, đánh đập, biến thành nô lệ tình dục và buộc cầm súng giết người.
Tổ chức này cũng khởi động chiến dịch mang tên OPKONY, với tôn chỉ làm cho thế giới biết về sự tồn tại của Joseph Kony, cũng như thúc đẩy việc nhanh chóng mang thủ lĩnh phiến quân Uganda này ra trước ánh sáng công lý quốc tế. Bộ phim trở thành hiện tượng trên trang Youtube và các mạng xã hội, thu hút trên dưới 70 triệu lượt xem chỉ trong ngày đầu tiên công bố.
Joseph Kony là cái tên được nhắc tới rất nhiều trên thế giới và đang có được sự "nổi tiếng" mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mơ ước. Những người làm phim muốn thế giới lắng nghe để bắt tay vào hành động bằng cách làm cho cái tên Kony được tất cả mọi người biết đến. Họ thậm chí còn dán hình Kony ở khắp ngõ ngách trên nước Mỹ và một số quốc gia châu Phi khác. Họ cố tình làm cho Kony nổi tiếng với một mục đích duy nhất: thu hút sự chú ý của thế giới tới những hành động bị cho là tàn ác của hắn, và thế giới hỗ trợ để truy lùng, bắt giữ cho bằng được người đang bị tòa án hình sự quốc tế truy nã vì các tội ác chống lại loài người.
Hiệu ứng cộng đồng mạng về bộ phim KONY đã khiến nhóm hacker Anonymous chuyển mục tiêu sang Joseph Kony. Anonymous vẫn được biết đến như một ủng hộ viên tích cực của phong trào vì quyền trẻ em Invisible Children. Không lâu sau khi tung ra đoạn băng thứ nhất có nội dung tuyên bố hợp tác cùng Invisible Children để chống lại hành vi bắt cóc trẻ em để đào tạo làm lính của Joseph Kony, Anonymous đã tung ra một đoạn băng thứ hai nhằm nói rõ và khẳng định chiến dịch OPKONY chỉ là hoạt động độc lập để ủng hộ các hoạt động của Invisible Children, và giữa hai tổ chức không có bất cứ sự hợp tác hay liên hệ nào với nhau.
Thách thức lực lượng tìm diệt
Ngày 28/8/2008, CIA liệt Joseph Kony vào danh sách những tên khủng bố nguy hiểm nhất toàn cầu. Đến tháng 11/2008, đích thân Tổng thống Mỹ bấy giờ là George W. Bush đã ký chỉ thị ra lệnh cho Bộ Quốc phòng hỗ trợ tài chính và hậu cần để Chính phủ Uganda mở một chiến dịch mang tên "Hành động sấm sét" nhằm tiêu diệt Kony. Các cuộc tấn công tuy không bắt được Kony, nhưng đã giải thoát cho hơn 100 trẻ em bị buộc phải cầm súng, cũng như đã buộc Kony và lính LRA phải rút sâu vào trong những vùng rừng núi hoang vu, xa các điểm dân cư, làng mạc.
Chính phủ Mỹ tiếp tục tiến hành hoạt động tình báo nửa bí mật để tăng cường khả năng tìm diệt Kony của quân đội Uganda. Năm 2010, Quốc hội Mỹ thông qua luật giải giới LRA và hồi phục Bắc Uganda để lót đường cho Tổng thống Obama đưa lực lượng đặc biệt đến châu Phi. Dù đạo quân của Kony không đe dọa trực tiếp cho quyền lợi của Mỹ, nhưng Quốc hội Mỹ và các tổ chức nhân quyền ủng hộ mạnh mẽ sự can dự của Mỹ để ngăn chặn hành vi tàn bạo của Kony.
Đặc biệt, sau khi tin tình báo của CIA cho biết Kony hiện đang có mặt ở Cộng hòa Trung Phi, Tổng thống Obama cho phép triển khai một lực lượng quân sự khoảng 100 người đến đất nước này với mục tiêu hỗ trợ quân đội Trung Phi tiêu diệt Kony và các phần tử cao cấp của LRA. Đây là lần thứ 12 trong lịch sử toàn nước Mỹ, quân đội Mỹ được cử ra nước ngoài để săn lùng tội phạm chiến tranh, không kể cuộc săn lùng trùm khủng bố Bin Laden kéo dài suốt 13 năm ròng.
Trong lúc đó, Mỹ cũng tiếp tục đổ hàng triệu USD để chiêu mộ binh lính của Joseph Kony ra hàng. Đầu tháng 4/2013, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ trao thưởng trị giá 5 triệu USD đối với việc cung cấp thông tin dẫn tới sự bắt giữ, giao nộp hoặc kết án đối với thủ lĩnh Joseph Kony cùng một số phụ tá khác.
Hiện không có chiến dịch quân sự nào tại vùng hạ Sahara có sự can dự của Mỹ lại được chú ý và mong đợi thành công hơn cuộc truy sát Joseph Kony. Tướng Carter F. Ham, Chỉ huy trưởng các lực lượng Mỹ tại châu Phi, có treo một bức ảnh Kony ngay trước cửa phòng. Và chính tướng này đã phải thừa nhận áp lực tìm diệt Kony tăng lên rất cao kể từ sau khi bộ phim KONY được lan truyền trong xã hội.
Thách thức lớn nhất là xác định chính xác nơi ẩn náu của Joseph Kony. Biệt kích Mỹ tin rằng Kony đang ẩn náu tại một nơi rất hẻo lánh tại Cộng hòa Trung Phi, nhưng phía Uganda khẳng định hắn ta đã chạy sang Nam Sudan với sự giúp đỡ của Chính phủ Sudan khi Nam Sudan chưa trở thành nước độc lập. Hiện phiến quân LRA trông cậy vào đôi chân và những điểm hẹn bí mật để trao đổi thông tin. Chiến thuật không sử dụng công nghệ cao của Kony chứng tỏ khá hữu hiệu trước các công cụ theo dõi như vệ tinh của nước Mỹ.
Chính vì vậy mà các tư lệnh Mỹ cảnh báo là có thể mất đến nhiều năm mới tìm thấy nhân vật nguy hiểm này. Họ thừa nhận việc tìm ra nơi ẩn náu của Kony không hề dễ dàng. "Kony đã dùng các chiến thuật có từ thời đại đồ đá để vô hiệu hóa các công cụ giám sát kỹ thuật cao", một tư lệnh nói. Từ lâu, Kony đã ra lệnh cho những người đi theo không được dùng điện thoại di động hay radio nhằm tránh để lại dấu vết điện tử.
Thậm chí, các lực lượng truy tìm còn không thể phân biệt được đâu là Joseph Kony, đâu là kẻ khác bởi bất cứ hành động cướp bóc nào cũng được trình báo như sản phẩm của Kony. Nhiều tin tình báo rất ngớ ngẩn và lầm lẫn. Tướng Carter F. Ham xem việc tìm kiếm Kony tương đương với việc tìm người trên mặt trăng. "Chúng ta có thể đưa người lên mặt trăng nhưng tìm được người đó lại là chuyện khác trong một mảnh đất mênh mông vô chính phủ. Tôi chỉ xem sứ mệnh này là thành công khi Kony bị chết hay vào tù".
Cho đến nay, chiến dịch truy lùng và tiêu diệt Kony vẫn tiếp diễn với sự hợp tác của những người đã từng tham gia LRA. Lính của Kony được cho là giờ chỉ còn vài trăm người do số lượng đào thoát ngày càng tăng. Gần đây, binh sĩ Uganda đã tiêu diệt được vệ sĩ thân cận nhất của Kony, một dấu hiệu cho thấy ngày tàn của Joseph Kony đã đến rất gần…
Theo CAND