Bảo đảm an ninh thông tin tại học đường: Tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà trường và phụ huynh

Cập nhật: 16-03-2023 | 09:01:56

Vừa qua, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp”. Trước tình trạng trên, ngành giáo dục đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, trong đó tăng cường công tác bảo đảm an ninh thông tin, trao đổi giữa phụ huynh và nhà trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc ngay từ đầu, không để ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, học tập.


Các trường học trên địa bàn TP.Thuận An niêm yết thông tin hoạt động, kênh liên lạc với Ban Giám hiệu để phụ huynh chủ động liên hệ khi cần

Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là mạo danh giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện trực tiếp đến phụ huynh báo tin con em bị tai nạn, đang được cấp cứu tại bệnh viện và yêu cầu chuyển tiền gấp để đóng viện phí. Điều đáng nói là đối tượng còn dàn dựng quá trình trao đổi giữa bác sĩ mổ, nhân viên y tế trực cấp cứu, thu ngân với “thầy, cô giáo”, nhân viên y tế nhà trường về tình trạng cấp cứu của học sinh... Cuối cùng, các đối tượng hối thúc phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt.

Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương chưa ghi nhận trường hợp người dân nào bị lừa đảo với thủ đoạn như trên. Tuy nhiên, để tránh bị “sập bẫy” đối tượng lừa đảo, ngành giáo dục tỉnh nói chung và các trường học đã chủ động rà soát, bảo đảm an toàn thông tin, sự kết nối liên lạc thông suốt giữa nhà trường và gia đình học sinh.

Nói về công tác này, ông Lê Minh Phúc, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP.Dĩ An, cho biết sau khi nắm được thông tin về các thủ đoạn lừa đảo phụ huynh diễn ra gần đây, phòng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn kiểm tra các điều kiện về an toàn thông tin học sinh, giáo viên của trường; công khai đường dây nóng, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Đồng thời yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên, phụ huynh thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động xác minh tránh bị đối tượng xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Tương tự, Phòng GD-ĐT TP.Thuận An đã chỉ đạo các đơn vị, nhàtrường tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để phụ huynh nắm rõ mà biết cách phòng ngừa. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thuận An, đến nay qua nắm tình hình, đơn vị chưa nhận được thông tin của phụ huynh về việc bị đối tượng gọi điện lừa đảo bằng hình thức “con cấp cứu, cần chuyển tiền gấp”. Tuy nhiên, để phòng ngừa tình trạng lừa đảo nói trên, đơn vị đã yêu cầu trường học tăng cường liên lạc qua các kênh thông tin với phụ huynh. Khi nhận được thông liên quan đến con em, phụ huynh cần liên lạc ngay với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hoặc đến trực tiếp tại trường để xác minh, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn ép buộc chuyển tiền ngay vào số tài khoản mà các đối tượng đưa ra, tránh “sập bẫy” đối tượng lừa đảo.

Trong khi đó, ông Phạm Anh Dũng, Trưởng phòng Trung học thường xuyên Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết ngay từ đầu năm học, sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường công tác bảo đảm an ninh thông tin trong học đường; đồng thời ký kết quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự giữa ngành giáo dục và cơ quan công an. Thông qua việc thực hiện nghiêm túc các nội dung trong quy chế phối hợp đã giúp hai ngành chủ động trong việc thông tin, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự mới phát sinh tại trường học. Nhờ sự chủ động trên, ngành giáo dục nói chung và các trường học nói riêng làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự tại trường học, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa tội phạm liên quan đến học đường.

Theo cơ quan công an, sở dĩ phụ huynh “sập bẫy” hình thức lừa đảo “con cấp cứu” là do bị đối tượng lợi dụng tâm lý hoảng loạn, sợ hãi trong thời gian ngắn, nhất là khi chưa đủ tỉnh táo để xác minh thông tin. Do đó, khi nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến con em mình, phụ huynh hãy bình tĩnh và tìm cách liên lạc với Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hay người chăm sóc ở gần với con em mình để kiểm tra thông tin. Đặc biệt, phụ huynh nên cẩn trọng với đối tượng thuộc lòng về trường học của con, lớp học của con, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng nhưng lại không thể cung cấp thông tin cá nhân mình một cách rõ ràng, nơi làm việc cụ thể để tránh bị lừa. Bên cạnh đó, phụ huynh cần để ý các dấu hiệu đáng ngờ của thông tin như cách xưng hô khác biệt thường ngày, thời gian báo tin vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm… Khi người dân phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để cung cấp thông tin, phối hợp cơ quan công an điều tra, xử lý.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=656
Quay lên trên