Bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi

Cập nhật: 25-09-2015 | 08:27:01

Đoàn kiểm tra của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các đơn vị liên quan vừa đi kiểm tra tình hình thực hiện quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của 8 công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình. Theo đoàn kiểm tra, nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm này là do khi xây dựng các công trình thủy lợi người dân bị ảnh hưởng chưa được đền bù; thiếu hồ sơ đền bù; một số công trình đến thời điểm này vẫn chưa được cắm mốc hành lang bảo vệ và hầu hết trường hợp vi phạm diễn ra trước năm 2005 (trước khi UBND tỉnh ban hành quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi); đa số diện tích vi phạm hiện nay đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ).

Nhiều công trình vi phạm

Theo quy định của UBND tỉnh, để bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa thủy lợi: Đối với đỉnh đập, phạm vi bảo vệ đỉnh đập được tính từ hai đầu đập, mỗi đầu lấy ra là 50m. Đối với chân đập, phạm vi bảo vệ chân đập là 50m, phạm vi không được xâm phạm là 20m kể từ chân mái đập hạ lưu. Đối với khu vực lòng hồ, vùng phụ cận, phạm vi bảo vệ công trình được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ. Đối với các loại hồ chứa thủy điện, thủy lợi khác, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ.

Hiện trạng một hộ dân lấn chiếm hành lang bảo vệ hệ thống đê bao ở ấp An Hòa, xã An Sơn, TX.Thuận An (vùng khoanh tròn được đánh dấu là phần diện tích đất lấn chiếm trên tuyến đường đê) l. Ảnh: Q.NHIÊN

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi để làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại hồ Cần Nôm (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) hiện có 165 trường hợp có nhà ở, công trình phụ, nhà xưởng và cao su với tổng diện tích 478.459m2 nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa. Các hộ này có mặt ở đây trước khi chủ đập cắm mốc hành lang bảo vệ công trình và chưa được đền bù khi xây dựng công trình hồ chứa. Hầu hết diện tích đất này đã được UBND huyện Dầu Tiếng cấp GCN QSDĐ.

Tại hồ Từ Vân I và Từ Vân II (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng), có 10 hộ xây dựng nhà ở, nhà trọ, trại heo và cao su đang khai thác (cây lâu năm có rễ ăn sâu 1,5m) nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa. Các hộ này ở tại đây trước khi chủ đập cắm mốc hành lang bảo vệ công trình và chưa được đền bù khi xây dựng công trình hồ chứa.

Đối với tuyến bao Tân An - Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), có 12 hộ có mái che, tường rào xây dựng trước năm 2005, đã được cấp GCN QSDĐ, khi xây dựng công trình chưa được đền bù. Đối chiếu với khoản 5, điều 7, Luật Đê điều thì 12 hộ dân này thuộc diện nằm trong hành lang bảo vệ đê bao nghiêm cấm xây dựng công trình. Tuy nhiên, công trình của 12 hộ này đều được xây dựng trước năm 2005, chưa được đền bù khi xây dựng công trình đê bao. Đoàn kiểm tra cho biết, các công trình này không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hành lang đê điều, công trình thủy lợi, do đó vẫn được giữ nguyên hiện trạng tiếp tục sử dụng; các hộ không được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, mở rộng diện tích mặt bằng và phải có cam kết tuân theo yêu cầu về quản lý an toàn công trình trên đê.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Riêng hệ thống đê bao ở An Sơn - Lái Thiêu (TX.Thuận An), kết qủa kiểm tra hành lang bảo vệ công trình cho thấy, hộ ông Lê Văn Sang (ấp An Hòa, xã An Sơn) đã tự đổ mặt bằng sân lấn chiếm tuyến rạch với kích thước 15x5m2. Đối chiếu với khoản 10, điều 7, Luật Đê điều, hộ ông Sang thuộc diện nằm trong hành lang bảo vệ nghiêm cấm các hoạt động làm thay đổi dòng chảy và thoát lũ. Do đã được đền bù khi xây dựng công trình đê bao nên ông Sang phải khôi phục hiện trạng ban đầu để bảo đảm an toàn cho công trình.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, UBND xã đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương và hộ ông Lê Văn Sang lập biên bản, ngưng việc xây dựng và khôi phục lại hiện trạng ban đầu của rạch Cầu Quay để bảo đảm an toàn dòng chảy. Ngoài ra, để giải quyết tốt tình trạng ngập úng do hệ thống thoát nước chưa bảo đảm yêu cầu, xã đã và đang thực hiện lắp đặt 6 chiếc cống lớn với mức kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Công trình này đã được thí điểm hiệu quả ở ấp An Quới trong năm 2014.

Ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, trong thời gian tới các đơn vị quản lý, khai thác sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác định và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi do đơn vị mình quản lý và lập hồ sơ thủ tục giao đất các công trình thủy lợi; đồng thời tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm gây mất an toàn công trình theo quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân có công trình nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi giữ nguyên hiện trạng sử dụng, không đầu tư xây dựng mới, mở rộng thêm công trình nhà ở và phải có cam kết không làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đê bao.

 QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên