Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, trong những tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã triển khai kế hoạch tăng cường tuyên truyền, kiểm soát hoạt động của phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cảnh sát đường thủy kiểm tra việc khách chấp hành quy định mặc áo phao khi đi đò sang sông
Người đi đò còn chủ quan không mặc áo phao
Cuối tuần, khi theo chân tổ công tác tuần tra kiểm tra đột xuất ở các bến đò, qua ghi nhận của P.V, một số người dân còn chủ quan và cho rằng chỉ đi có một đoạn sông nên không cần mặc áo phao mặc dù biết đây là quy định. Cụ thể là khi đoàn kiểm tra xuất hiện tại bến đò An Sơn (TP.Thuận An), quản lý đò vơ vội áo phao phát cho hành khách. Qua kiểm tra trên đò, một số khách không mặc áo phao. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản lỗi không hướng dẫn hành khách sử dụng dụng cụ phao cứu sinh.
Tương tự, khi tổ tuần tra kiểm tra đò SG-7372 tại bến đò Bà Lụa (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) cũng phát hiện lỗi không hướng dẫn hành khách sử dụng dụng cụ phao cứu sinh. Thuyền trưởng Võ Văn Tài cho biết: “Khách lên đò là chúng tôi phát áo phao và nói đây là quy định. Có một số người chấp hành nhưng một số khác cự cãi bảo rằng họ không thích mặc, bị phạt họ tự chịu. Nhiều khách chê áo bẩn nên chúng tôi không biết phải làm sao!”. Lực lượng chức năng giải thích nếu trên đò có hành khách không tuân thủ quy định, thuyền trưởng có quyền từ chối chở người để bảo đảm an toàn. Không vì một người “bất chấp” mà cho qua. Nếu xảy ra sự cố thì hậu quả khôn lường.
Theo Thiếu tá Lưu Văn Vỹ, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, lỗi mà các đò chuyên chở khách thường vi phạm có mức phạt rất cao theo Nghị định 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định. Nếu trên đò không có người tuyên truyền cho hành khách thì có thể dùng loa để phát những quy định và buộc người đi đò phải thực hiện mặc áo phao. Ngoài ra, thuyền trưởng, quản lý đò phải mặc đồng phục, đeo bảng tên khi làm việc.
Tăng cường tuần tra kiểm soát
Thượng tá Võ Văn Lớp, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết theo phân cấp quản lý, hiện nay đơn vị đang quản lý tuyến sông Sài Gòn từ đầu địa phận phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An) đến hết địa phận xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng) có chiều dài 81km; tuyến sông Đồng Nai từ rạch Ông Tiếp thuộc phường Thới Hòa, TX.Tân Uyên (Km 43) đến ngã ba sông Bé thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (Km 100 + 900) có chiều dài 57,9km; sông Thị Tính địa phận thuộc phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một. Qua rà soát các tuyến sông chảy qua địa bàn sẽ giao lại cho địa phương quản lý, tuy nhiên Phòng CSGT tỉnh vẫn tổ chức những đợt tuần tra đột xuất để kiểm tra công tác quản lý của địa phương.
Thượng tá Lớp nhấn mạnh, trong năm 2023, nhằm chủ động và phòng ngừa tai nạn xảy ra đối với đường thủy, Phòng CSGT đã chỉ đạo Đội Cảnh sát đường thủy thường xuyên bố trí lực lượng nắm chắc tình hình trật tự ATGT trên các tuyến sông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trong đó, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động của thuyền viên, người lái phương tiện, chủ phương tiện, bến đò, bến khách ngang sông. Song song đó là phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi, khoáng sản và các hành vi vi phạm khác trên lĩnh vực đường thủy nội địa. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa; trang bị đầy đủ dụng cụ an toàn trên các phương tiện nhỏ, thô sơ theo quy định. Cảnh báo các nguy cơ xảy ra tai nạn, đuối nước khi tham gia giao thông đường thủy nội địa mà không sử dụng áo phao, dụng cụ cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định”, Thượng tá Lớp cho biết.
Năm 2022, Đội Cảnh sát đường thủy đã thực hiện 442 ca tuần tra kiểm soát trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn với 1.350 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Kết quả đã phát hiện, lập biên bản 177 trường hợp vi phạm. Người vi phạm đã chấp hành 229 quyết định xử phạt với số tiền hơn 260 triệu đồng. Kết hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 39 bến (24 bến thuộc tuyến sông Sài Gòn, 15 bến thuộc tuyến sông Đồng Nai) và khảo sát cù lao Thạnh Hội, lập biên bản 7 trường hợp vi phạm. Đoàn liên ngành cũng đã tiến hành cho các chủ bến ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa. |
QUỲNH ANH