Bước vào mùa mưa bão, để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các lực lượng tăng cường quản lý, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về vận tải khách đối với các bến đò ngang và các bến hàng hóa.
Lực lượng cảnh sát đường thủy kiểm tra chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng
Không vận chuyển khách khi mưa lớn
Trung tá Võ Đức Tín, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy (CSĐT), cho biết hiện đã vào hè và cũng là mùa mưa nên nước trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có lúc dâng cao, dòng chảy thay đổi. Để bảo đảm an toàn cho khách đi đò, lực lượng CSĐT đã tăng cường tuần tra, nhắc nhở các chủ phương tiện và thuyền trưởng không tổ chức vận chuyển khách khi trời mưa.
Đối với các xà lan vận chuyển hàng hóa, Đội CSĐT tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các chủ phương tiện, bến bãi, cảng với nhiều điều khoản như không xếp hàng hóa xuống phương tiện vượt quá vạch dấu mớn nước; không để ô tô chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông ra khỏi cảng, bến thủy.
Theo Trung tá Võ Đức Tín, hiện nay chủ các phương tiện vận chuyển hành khách và thuyền trưởng chấp hành tốt các quy định trang bị thiết bị cứu nạn, cứu hộ, phòng chống cháy nổ; không chở người vượt quá quy định; người điều khiển phương tiện xếp dỡ phải có chứng chỉ chuyên môn…
Trong khi đó, ông Nguyễn Bình Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Khu vực 3 tại Bình Dương, cho biết vừa qua Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực 3 tại Bình Dương đã phối hợp với Đội CSĐT tuyên truyền và ký cam kết với các chủ phương tiện, thuyền trưởng, bến bãi các quy định ATGT đường thủy. Qua nắm tình hình, sau khi ký cam kết hầu hết các đơn vị thực hiện nghiêm. “Theo đánh giá, từ khi áp dụng Nghị định 139/2021/ NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, mức phạt rất cao nên hầu hết các chủ phương tiện, chủ bến bãi và thuyền trưởng chấp hành tốt vì hầu hết mọi người đều ý thức số tiền lợi nhuận của chở quá tải không đủ để đóng phạt, đó là chưa kể bị tước bằng lái 2-3 tháng khi vi phạm ảnh hưởng đến thu nhập và kinh tế”, ông Nguyễn Bình Sơn nhận định.
Tăng cường phối hợp xử lý
Thượng tá Ngô Trọng Sáng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết thời gian qua với sự nỗ lực, chung tay của các sở, ban, ngành nên trật tự (TT) ATGT đường thủy đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, theo nhận định tình tình TTATGT đường thủy vẫn còn diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật về TTATGT còn xảy ra phổ biến, nhất là khi vắng bóng lực lượng chức năng. Nguyên nhân do công tác quản lý Nhà nước còn có những hạn chế nhất định, mặt khác do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông đường thủy chưa cao.
Với mục tiêu lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy của người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật, Phòng CSGT đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trên ĐTNĐ; nắm tình hình tội phạm hoạt động trên địa bàn quản lý; tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép trên các tuyến sông.
Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 1758 ngày 10-4-2024 của Cục CSGT - Cục ĐTNĐ Việt Nam - Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT ĐTNĐ, thông qua công tác ký kết là sự vào cuộc của các ngành chức năng để tháo gỡ các khó khăn, bất cập cũng như có những đề xuất hợp lý trong tình hình thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn vị cũng như xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông đường thủy, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông đường thủy trong nhân dân; kiềm chếtai nạn giao thông.
QUỲNH ANH