Bảo đảm an toàn hệ thống công trình hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa

Cập nhật: 19-09-2014 | 08:40:04

Tỉnh Bình Dương thuộc vùng hạ du của hệ thống công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa. Vấn đề bảo đảm an toàn cho công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong đó có công tác điều tiết lũ, bảo đảm mục tiêu tích nước, phòng và cắt lũ cho khu vực hạ du.

Bảo đảm an toàn

Theo kế hoạch phát triển và nhiệm vụ cấp nước của hồ cho các tỉnh, hàng năm hồ Dầu Tiếng được bổ sung nước từ sông Bé bằng công trình thủy lợi Phước Hòa với lưu lượng bổ sung là 50m3/s. Mặc dù Bình Dương không thuộc vùng được hưởng lợi trong quá trình đưa vào sử dụng và khai thác hồ nhưng lại thuộc vùng hạ du. Do đó bảo đảm an toàn cho công trình hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác điều tiết lũ, đồng thời bảo đảm mục tiêu tích nước, tiêu phòng và cắt lũ cho tỉnh.

Bảo đảm vận hành an toàn hệ thống công trình hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa có tầm quan trọng đối với vùng hạ du. Trong ảnh: Đập xả lũ hồ Dầu Tiếng Ảnh: P.AN

Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Bình Dương nằm ở phía hạ lưu của hồ Dầu Tiếng nên mỗi khi hồ xả lũ, người dân nơi đây lại bị ảnh hưởng đến sinh hoạt, tài sản, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay, các hạng mục công trình đầu mối hồ chứa nước Dầu Tiếng gồm hồ chứa, đập chính, đập phụ, đập tràn, cống dẫn dòng, các cống lấy nước tương đối ổn định. Các máy móc, thiết bị vận hành tràn xả lũ bảo đảm vận hành an toàn. Hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây đã được khắc phục không còn gây khó khăn trong công tác điều tiết nước, bảo đảm an toàn công trình, an toàn cho người và phương tiện khi đi trên bờ kênh.

Ông Bùi Xuân Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy Dầu Tiếng- Phước Hòa cho biết, công ty thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến mưa lũ trong lưu vực hồ. Trước tình hình lượng nước tập trung về hồ với lưu lượng lớn, mực nước vượt quy trình, trong các kỳ triều cường, công ty đã chủ động tích nước, tới kỳ triều kém thì chủ động điều tiết lũ xuống hạ du qua sông Sài Gòn. Công ty thực hiện xả lũ với phương châm xả lưu lượng nhỏ, kéo dài thời gian xả nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân ở hạ du.

“Cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8 vừa qua, mưa tập trung trong thời gian ngắn với cường độ lớn, do vậy đến 7 giờ sáng ngày 6-8-2014 mực nước hồ Dầu Tiếng đã ở cao trình 22,05m, cao hơn giới hạn trên tung độ đường phòng phá hoại là 1,93m. Tại cuộc họp các ngành liên quan vừa qua đã thống nhất tăng lưu lượng xả lên 300m3/s từ ngày 15-8 cho đến khi nước hồ về quy trình. Nhưng đến giữa tháng 8, lượng mưa có xu hướng giảm so với trung bình nhiều năm. Nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng cho người dân ở vùng hạ du, công ty đã duy trì lưu lượng xả 20m3/s. Đến ngày 22-8, mực nước hồ về xấp xỉ quy trình vận hành nên công ty đã quyết định đóng tràn xả lũ”, ông Đại nói.

Làm tốt công tác phối hợp giữa các địa phương

Để bảo đảm an toàn công trình hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa, theo ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy Dầu Tiếng - Phước Hòa, ủy viên Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, cần tăng cường công tác phối kết hợp giữa các tỉnh có liên quan. Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân phía hạ du, vai trò của chính quyền địa phương hết sức quan trọng trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống để giảm thiểu mức thấp nhất do thiên tai, bão lũ gây ra.

Ông Trần Gia Khảm, đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, TP.HCM cần chủ động triển khai thực hiện các phương án phù hợp với kế hoạch, sẵn sàng trong từng trường hợp khẩn cấp. Các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp, chuẩn bị lực lượng, vật tư theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công. Hàng năm, phải lập kế hoạch sửa chữa các hạng mục công trình và thực hiện tốt công việc sửa chữa thường xuyên. Còn theo ông Dần, các địa phương và ngành chức năng cần tính toán xả nước trước, không để mực nước quá cao, vượt tung độ đường phá hoại của công trình theo quy trình vận hành tạm thời được duyệt, bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu…

Kết thúc mùa mưa năm 2013, hồ Dầu Tiếng tích nước đạt cao trình 24,06m, tương ứng với dung tích 1 tỷ 501,92 triệu m3 và ứng với dung tích hữu ích là 1 tỷ 031,92 triệu m3, ít hơn so với thiết kế là 78,88 triệu m3. Ngoài ra, trong năm 2013, hồ Dầu Tiếng được cấp bổ sung tổng lượng nước là 216 triệu m3; lượng mưa trung bình trên lưu vực hồ Dầu Tiếng là 2.153mm, cao hơn trung bình nhiều năm là 361,9mm. Tổng lượng xả lũ là 349,704 triệu m3, đưa mực nước hồ về đúng quy trình vận hành nhằm bảo đảm an toàn công trình.

 

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1185
Quay lên trên