Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Cập nhật: 21-12-2022 | 09:13:31

 Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa có xu hướng tăng cao nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) được người dân quan tâm. Để bảo đảm ATTP, phòng tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần có sự lựa chọn, cân nhắc khi mua các sản phẩm tiêu dùng.

 Người tiêu dùng lựa chọn mua trái cây tại chợ Thủ Dầu Một

 Nỗi lo an toàn thực phẩm

Hiện nay, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng dịp cuối năm đang tăng cao. Chúng tôi dạo một vòng quanh các chợ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, như: Chợ Thủ Dầu Một (phường Phú Cường), chợ Vinh Sơn, chợ Bình Điềm (phường Phú Hòa), chợ Cây Dừa (phường Hiệp Thành), chợ Phú Mỹ (phường Phú Mỹ)… và nhận thấy nhu cầu mua sắm của người dân đang tăng cao so với những tháng bình thường trong năm. Lượng hàng hóa được tiêu thụ nhiều nhất là nhóm thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, thịt gia cầm, cá…) cùng với các mặt hàng chế biến sẵn giò, chả, bánh mứt… và trái cây. Đây cũng là những mặt hàng khiến người tiêu dùng lo lắng nhiều nhất về vấn đề ATTP. Lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao, một số tiểu thương, chủ sạp hàng vì lợi nhuận vẫn đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Tại chợ Thủ Dầu Một, nhiều mặt hàng, như: Bánh, kẹo, hạt dưa, hạt hướng dương… được đóng gói sơ sài trong các túi nylon, không có thông tin sản phẩm hoặc thông tin nhà sản xuất không rõ ràng và bán với mức giá khá “mềm”. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của những loại mặt hàng này, người bán đều giới thiệu hàng có nguồn gốc sản xuất từ các nước, như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... Trong khi đó, các mặt hàng đồ khô, như: Măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương... người tiêu dùng cũng chỉ biết đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm qua lời giới thiệu của người bán hàng.

Ghi nhận của P.V tại chợ Phú Mỹ, nhiều loại bánh kẹo, mứt được đóng trong các bao nylon hoặc bao tải trong tình trạng “3 không”: Không nguồn gốc địa chỉ sản xuất, không nhãn mác, không hạn sử dụng. Những sản phẩm này được bán theo cân hoặc đóng gói sẵn nhưng không có đăng ký ATTP. Nhiều sản phẩm tươi sống cũng bày bán tràn lan mà không có dấu kiểm dịch, chứng nhận an toàn của các cơ quan chức năng... chị Bùi Thị Đào (phường Phú Mỹ), cho biết: Các sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát… còn có thể xem bao bì để tìm hiểu về xuất xứ, hạn sử dụng, còn thịt, cá, rau củ người tiêu dùng như chị chỉ nhìn bằng trực quan và tin vào lời giới thiệu của người bán hàng.

Mặc dù lo ngại về chất lượng sản phẩm, nhưng yếu tố tiện lợi, giá cả phù hợp đã khiến không ít người tiêu dùng mua hàng giá rẻ về sử dụng. Chị Bồ Thị Thanh (phường Phú Hòa), chia sẻ: “Mỗi khi đi chợ, điều tôi quan tâm đầu tiên là giá cả hàng hóa có phù hợp túi tiền hay không. Vợ chồng tôi đều là công nhân, thu nhập trung bình mỗi tháng của cả 2 vợ chồng chỉ được gần 10 triệu đồng nhưng phải chi tiêu rất nhiều khoản khác”.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Để bảo đảm ATTP trong những tháng cuối năm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đang đến gần, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc. Đối với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ và không trữ thực phẩm quá lâu, kể cả để trong tủ lạnh. Người tiêu dùng nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm ATTP. Nói không với thực phẩm bẩn là cách mà người tiêu dùng tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.

Khi lựa chọn bất kỳ hàng hóa, thực phẩm, điều đầu tiên người tiêu dùng cần phải chú ý là chứng nhận vệ sinh ATTP, thời hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm. Hầu hết các mặt hàng, sản phẩm được bày bán tại các siêu thị đều đầy đủ những thông tin này. Nhiều hàng hóa, thực phẩm được bày bán ngoài chợ thường có quy trình xử lý, đóng gói và bảo quản không qua kiểm định của cơ quan chức năng. Việc sử dụng chỉ dựa vào kinh nghiệm và cảm tính của người tiêu dùng.

Cùng với ý nghĩa bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát ATTP. Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ động, khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan triển khai đồng bộ các kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về bảo đảm ATTP trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thông tin, tuyên truyền, giáo dục các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm ATTP trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng; sẵn sàng triển khai các biện pháp khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

“Ngành cũng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật, công khai các vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổchức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nhấn mạnh.

 Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng các thực phẩm khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc. Đối với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ và không trữ thực phẩm quá lâu, kể cả để trong tủ lạnh. Người tiêu dùng nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm ATTP. Nói không với thực phẩm bẩn là cách mà người tiêu dùng tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên