Bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

Cập nhật: 20-07-2022 | 08:06:34

Thời gian qua, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, góp phần hạn chế việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm chất lượng, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Cán bộ ngành chức năng kiểm tra ATTP tại Cơ sở giết mổ Út Hảo (TP.Dĩ An) cho kết quả đạt tiêu chuẩn theo quy định

 Đạt nhiều kết quả tích cực

Sau 3 năm (2019-2021) thực hiện công tác quản lý chất lượng, được sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản và UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã triển khai, chỉ đạo, điều hành công tác quản lý chất lượng ATTP lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Hệ thống các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý chất lượng ATTP được hình thành, củng cố từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Sự phân công, phân cấp trách nhiệm giữa cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện trong từng nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cũng như hoạt động của các cơ sở trong vấn đề chấp hành quy định pháp luật về ATTP. Các chi cục chuyên ngành luôn hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ chuyên môn cho các phòng kinh tế huyện thị, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 6.285 cơ sở thuộc đối tượng sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản nhỏ lẻ. Kết quả kiểm tra tại 246 cơ sở cho thấy đa số các cơ sở chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động với quy mô nhỏ, thủ công và hoạt động theo hình thức hộ gia đình nên khó bảo đảm vệ sinh ATTP. Qua kiểm tra cơ quan quản lý đã nhắc nhở, hướng dẫn việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định.

Đối với loại hình cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP theo Thông tư 38/2018/TT-BNN&PTNT, toàn tỉnh có hơn 1.065 cơ sở. Đã thẩm định và cấp 563 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, thẩm định định kỳ điều kiện bảo đảm ATTP cho 594 cơ sở. Qua thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP tại 1.242 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, kết quả có 144 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 541 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá kệ, biển tên nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; không có hoặc không đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng để kiểm soát thông gió ảnh hưởng đến ATTP đối với từng loại sản phẩm...

Trong những năm qua, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản đã tăng cường công tác tuyên truyền về ATTP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP. Theo đó, ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung vào các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản và cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả. Bên cạnh đó, tăng cường lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận; đồng thời, công khai danh sách và địa chỉ bán sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP; nghiệp vụ lấy mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong thực hiện công tác quản lý nhà nước.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản biến động liên tục, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ. Do vậy, việc cập nhật thống kê, quản lý cơ sở chưa đầy đủ và kịp thời. Trong 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc kiểm tra duy trì điều kiện bảo đảm ATTP và công tác giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản bị gián đoạn, chưa bảo đảm tần suất theo quy định. Công tác truy xuất nguồn gốc mẫu thực phẩm không bảo đảm an toàn từ kết quả các đợt giám sát nông sản còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình nên thực hiện các điều kiện bảo đảm ATTP chưa tốt (không lập sổ sách theo dõi xuất nhập; sản phẩm sản xuất, kinh doanh không có nguồn gốc rõ ràng, thu mua từ các cơ sở chưa bảo đảm điều kiện ATTP…).

Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý nhà nước về ATTP ở cấp huyện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao (về con người, năng lực chuyên môn). Chỉ có một cán bộ phụ trách, trình độ chuyên môn chưa phù hợp, chủ yếu là qua đào tạo, tập huấn ngắn hạn.

Bà Lưu Đình Lệ Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản, cho biết để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm về chất lượng và ATTP trong nông nghiệp, việc củng cố lại quy trình sản xuất là rất cần thiết. Trong thời gian tới, ngành đề ra các giải pháp trọng tâm để thực hiện. Tổ chức triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Sở NN&PTNT. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn của địa phương. Đồng thời, tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Bảo đảm ATTP nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030”, tổ chức thực hiện các nội dung theo phân kỳ. Đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn. Củng cố hệ thống quản lý chất lượng ATTP các cấp, điều chỉnh phân công phân cấp quản lý ATTP phù hợp tình hình thực tiễn.

 Thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 949/ QĐ-UBND ngày 12-4-2018 phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP cho các sở, ngành và UBND các cấp. Theo đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Sở NN&PTNT bao gồm quản lý điều kiện bảo đảm ATTP tại các chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp (thịt, thủy sản, rau củ, quả, các loại nông sản...), phân công quản lý nhà nước về ATTP lĩnh vực nông nghiệp cho các cơ quan chuyên môn cấp huyện và cấp xã. 100% cán bộ chuyên trách về lĩnh vực ATTP đã tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và người sản xuất, kinh doanh về các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Mặt khác, Chi cục Chăn nuôi, thú ý và thủy sản đã tổ chức hơn 170 lớp tập huấn về kiến thức ATTP, quy trình sản xuất, sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn hiệu quả, với 6.000 lượt người tham dự. Việc đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác bảo đảm ATTP đã mang lại nhiều  hiệu quả tích cực.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=976
Quay lên trên