Bảo đảm nguồn lao động có tay nghề

Cập nhật: 09-04-2021 | 09:32:22

Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 30.000 sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường đào tạo nghề thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên gần 40.000. Chất lượng tay nghề cũng như số lượng đào tạo có bằng cấp không ngừng tăng hàng năm. Việc đẩy mạnh đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp (DN).


Công tác đào tạo nghề của tỉnh đã tạo ra nguồn lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu các DN

Gắn kết đào tạo nghề

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) cho biết: “Vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó hàng năm đề ra các biện pháp thực hiện có hiệu quả. Từ đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực”.

Ông Cường cho biết thêm, một trong những giải pháp để thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động có hiệu quả là gắn kết chặt chẽ với DN. Xác định được tầm quan trọng của DN đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hàng năm, sở đã tổ chức nhiều hoạt động để kết nối các cơ sở GDNN với DN. Theo đó, khuyến khích DN tham gia vào các hoạt động GDNN như: Thành lập cơ sở GDNN tư thục; đăng ký hoạt động GDNN để đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; phối hợp với các cơ sở GDNN để liên kết đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng; tham gia xây dựng chương trình giáo trình đào tạo; phối hợp tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập sản xuất và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở GDNN.

Điển hình như năm 2019, tính riêng các cơ sở GDNN ngoài công lập đã tuyển sinh được 17.685 người tham gia học nghề, chiếm 41% so với tổng số tuyển sinh của tỉnh. Hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN thuộc DN đã đáp ứng một phần nhu cầu lao động kỹ thuật của DN, góp phần tăng quy mô đào tạo trong hệ thống GDNN của tỉnh, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng lao động qua đào tạo nghề.

Việc gắn kết được DN hợp tác với cơ sở GDNN ngày càng phát huy hiệu quả thông qua các hội thảo, hội thi nhằm tạo điều kiện để các cơ sở GDNN gặp gỡ, tiếp xúc với các hiệp hội ngành nghề, công ty, DN trong tỉnh. Tính đến nay, hầu hết các hiệp hội đều biết và có mối liên hệ với nhà trường. Song song đó, ở mỗi trường cao đẳng, trung cấp đều đẩy mạnh việc giao lưu, quan hệ đối ngoại gắn kết với nhiều DN có thế mạnh về lao động, loại hình sản xuất phù hợp với những ngành nghề đào tạo của mình để tổ chức tham quan, thực tập sản xuất, tìm quỹ học bổng khuyến khích học nghề và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh sinh viên các khóa.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Trong những năm qua, trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh thì chỉ số đào tạo lao động tiếp tục tăng. Điều này thể hiện nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho DN, giúp người lao động tìm kiếm việc làm, qua đó phản ánh hoạt động liên kết giữa cơ sở GDNN và DN đã từng bước đi vào chiều sâu.

Ông Cường cho biết thêm, Sở LĐTB&XH đã tổ chức hội thảo giải pháp cải thiện chỉsốđào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh để cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lao động như: Cải thiện, nâng cao chất lượng lao động; tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp cho người lao động; đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường và DN trong đào tạo và giải quyết việc làm, giáo dục văn hóa nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho người lao động; từ đó góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, làm tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Cùng với việc gắn kết chặt chẽ với DN, sở đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; đồng thời, điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp; phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh về dạy nghề và việc làm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề. Bên cạnh đó, sở chỉ đạo các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chủ động đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo đáp ứng nhu cầu của DN để thu hút được ngày càng nhiều người tham gia học nghề.

Bên cạnh đó, sở tiếp tục tham mưu, đề xuất tỉnh quan tâm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở GDNN, bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và danh mục thiết bị đào tạo nghề tối thiểu cho các nghề đào tạo bằng nhiều nguồn lực; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề, khuyến khích DN đầu tư xây dựng các cơ sở GDNN ngoài công lập; phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp ở địa phương như đào tạo nghề kèm cặp tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh (truyền nghề) thông qua các nghệ nhân và người có tay nghề cao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo…

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có hơn 200.000 người đăng ký tham gia học nghề, trong đó có 7.555 lao động nông thôn tham gia. Kết quả tuyển sinh học nghề có trình độ tăng dần theo các năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh của tỉnh đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 80%.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1024
Quay lên trên