Bảo đảm quyền trẻ em trong mùa dịch bệnh

Cập nhật: 22-06-2021 | 08:22:04

Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, học sinh các cấp trong tỉnh sớm kết thúc năm học 2020-2021. Bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, nghỉ hè nhưng các em vẫn ở yên trong nhà. Con em nghỉ học, nhất là trẻ mầm non, tiểu học, phụ huynh đã sáng tạo ra nhiều sân chơi cho con em giúp các em không cảm thấy bức bách vì suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà.

 Các con của chị Nguyễn Thu Hiền, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một, được mẹ khuyến khích vẽ tranh để rèn tính thẩm mỹ, tỉ mỉ, kiên trì

 Sáng tạo vui chơi

Do tình hình dịch bệnh, hiện tại các trường mầm non chưa tổ chức dạy hè, vì vậy đã tạo áp lực lớn đối với những bậc phụ huynh có con nhỏ như chị Nguyễn Thảo Vy ở phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một). Có 2 con nhỏ, làm công việc tự do, nên vợ chồng chị có thể thu xếp thay nhau để ở nhà chăm sóc con. Tuy nhiên, việc tạo sân chơi cho con để hết ngày tháng là cả vấn đề. Để tạo sân chơi cho con, chị mua nhiều đồ chơi, như: Cầu tuột, nhà banh mini, đồ chơi nhà bếp, đồ chơi tập làm bác sĩ, bộ xếp hình... Căn nhà chị không khác gì khu trò chơi thu nhỏ dành cho thiếu nhi. Chị Vy chia sẻ: “Không đưa con ra ngoài chơi được nên mỗi ngày tôi bày một trò cho các bé chơi để không bị nhàm chán. Các con không quấy khóc, tôi có thể tranh thủ giải quyết công việc qua email”.

Mỗi bậc phụ huynh có sự sáng tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích riêng cho con trong mùa dịch bệnh. Với chị Nguyễn Thu Hiền, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một, để con có những ngày hè bổ ích khi dịch bệnh đang bao vây, chị khuyến khích con gái học lớp 7 vẽ tranh. Những tranh bé vẽ xong chị đóng khung cẩn thận, treo trang trí trong nhà để động viên con. Chị tâm sự: “Hoạt động này rèn cho trẻ tính thẩm mỹ, tỉ mỉ, kiên trì. Càng vẽ cháu càng thích. Khi được động viên, khen ngợi, cháu thấy vui và đam mê sáng tạo nghệ thuật hơn”.

Chị Lê Ngọc Ngân ở phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một), đang làm việc ở TP.Hồ Chí Minh cũng có những cách riêng giúp con vui chơi, giải trí. Do dịch bệnh, hiện chị ở nhà làm việc online. Chị cũng có 2 con nhỏ nên nghĩ ra trò chơi cho các con thư giãn. Chị mua 2 tờ giấy khổ lớn dán lên tường, cùng với viết chì màu để cho các bé tha hồ sáng tạo. Chị còn mua gỗ về lắp ghép làm xích đu, thang leo cho con; dạy cho bé gái tập thêu, may... Ngoài ra chị còn thực hiện nhiều trò chơi thú vị khác để bé khám phá cuộc sống xung quanh.

Học làm việc nhà

Những mùa hè trước đây, đa số trẻ không có nhiều thời gian được nghỉ ngơi thư giãn mà phải học thêm. Hè năm nay, dù không được về thăm quê hoặc đi du lịch, nhưng cha mẹ các em có nhiều thời gian để gần gũi với con mình hơn. Đây cũng là khoảng thời gian các em được cha mẹ dạy các kỹ năng, kể cả làm việc nhà mà thường ngày các em chưa được làm quen. Với chị Ngân, có 2 con gái nên chị dạy cho các bé làm các món ăn vặt bé yêu thích như bánh rán, khoai tây chiên, nấu trà sữa, làm rau câu... Khi nấu ăn, chị cũng dạy cho cháu lớn phụ giúp mẹ lặt rau, nấu những món ăn đơn giản.

Đối với những phụ huynh ở vùng nông thôn, các bà mẹ còn tập cho bé ra vườn hái rau, tưới cây... Chị Tường Vi ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên cũng có 2 con, 1 học lớp 4 và 1 học lớp 7. Hè năm nay, do dịch bệnh không đưa con đi du lịch được, chị tập cho các cháu làm việc nhà, như: Lau nhà, quét sân, phơi quần áo... Chị còn khuyến khích 2 con cùng nhau giải rubik. Đặc biệt, chị không cho các con chơi vi tính, điện thoại. Để con không quên kiến thức, chị cho con học online các môn toán, tiếng Anh. Thời gian còn lại chị khuyến khích con đọc sách vừa giải trí, vừa tích lũy kiến thức, giúp ích cho việc học.

Hiện tại các em mới bước vào kỳ nghỉ hè. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, học sinh chắc hẳn sẽ được hưởng trọn mùa hè. Trong giai đoạn người dân cả nước đồng lòng chống dịch, các em chấp hành nghiêm lời khuyên của người lớn là ngồi yên trong nhà. Dù không đi đâu, nhưng với sự linh động, sáng tạo của các bậc cha mẹ, các em vẫn có được những ngày nghỉ ý nghĩa, lành mạnh, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt, học tập của trẻ em; đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại Trung ương, địa phương, đặc biệt các tỉnh, thành phố bị tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, trong đó ước tính có 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non; xu hướng cha mẹ cho trẻ em tham gia lao động, kiếm sống để bù đắp thiếu hụt về thu nhập; quyền vui chơi, giải trí của trẻ em bị hạn chế do việc dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí...

 ÁNH SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=418
Quay lên trên
X