Báo động tình trạng giăng bẫy tận diệt chim trời

Cập nhật: 27-05-2023 | 08:32:32

Việc các loại chim trở thành những món ăn trên thực đơn tại các nhà hàng, quán nhậu đã dẫn đến hình thành những đội quân chuyên săn bắt chim để cung ứng. Việc đặt bẫy, nhất là các loại lưới mờ, lưới bén… của các đối tượng khiến nhiều loài chim có nguy cơ bị tận diệt. Đáng nói, các loài chim yến của các hộ nuôi yến cũng bị “vạ lây”, khiến các hộ gia đình bị thiệt hại về kinh tế.


Với “ma trận” lưới giăng bắt chim trời của các đối tượng như thế này, rất khó để các loài chim thoát bẫy

Chim gì cũng bắt

Tại các xã Phú An, An Tây (TX.Bến Cát), các đồng ruộng, vườn cây chạy dọc theo sông Sài Gòn là điều kiện lý tưởng để nhiều loài chim sinh sống, lưu trú làm tổ sinh sản, tìm thức ăn, như: Cò, cu, cuốc, se sẻ… Người xưa có câu “đất lành chim đậu”, nhưng sự có mặt của những đối tượng chuyên giăng bẫy bắt chim đã khiến nhiều loài chim bị tận diệt. Nhiều loài chim thường thấy trong sinh hoạt, sản xuất của người dân trước đây nay gần như không còn thấy xuất hiện.

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây nổi lên tình trạng giăng bẫy chim tận diệt với mục đích chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn. Theo người dân nơi đây, các đối tượng thường đi thành nhóm, giăng lưới tại những cánh đồng, những khu vực các loài chim hay đến tìm thức ăn. Với hàng chục, hàng trăm mét các loại lưới mờ, lưới bén được giăng như “ma trận” trên những cánh đồng thì khó có loài chim nào thoát khỏi. Khi lưới được giăng, các nhóm đối tượng thường dùng loa phát tiếng kêu, hoặc dùng chim mồi để dụ chim đến.

Anh Nguyễn Văn Thụy, hộ gia đình nuôi chim yến ở ấp An Thuận, xã Phú An lo lắng cho biết năm 2019 gia đình anh đầu tư 5 tỷ đồng để xây nhà nuôi yến. Trung bình sau khoảng 3 năm thì các nhà yến mới cho thu hoạch, vì vậy đến nay anh mới hoàn vốn được khoảng 3 tỷ đồng. Song, thời gian gần đây xuất hiện nhiều nhóm đối tượng lén lút giăng bẫy bắt chim trời, không ít chim từ nhà yến của anh đã thành “nạn nhân”. “Chim yến thường bay đi tìm thức ăn tầm thấp nên rất dễ dính bẫy lưới giăng của các đối tượng. Việc giảm sút số lượng sẽ gây nhiều khó khăn cho người nuôi yến trong việc gầy đàn, chậm phát triển đàn, dẫn đến những thiệt hại cho người nuôi”, anh Thụy nói.

Cùng mang tâm trạng lo lắng, bức xúc trước hành vi của các đối tượng giăng bẫy bắt chim trời tận diệt, anh Nguyễn Văn Luôn ở ấp Lồ Ồ, xã An Tây cho hay số lượng đàn yến của gia đình anh không tăng mà có phần giảm sút so với trước. Điều này gây giảm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Những hộ vay vốn để đầu tư lại càng đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi số lượng chim không ổn định.

“Đặc tính chim yến là ở đâu thường sẽ ở ổn định nơi đó và tìm nguồn thức ăn gần xung quanh. Khi chim yến bố, mẹ đi tìm thức ăn cho con không may bị dính lưới bẫy thì đồng nghĩa với việc các chim con ở tổ cũng sẽ chết. Ở nhà yến của tôi, có rất nhiều chim yến con bị chết khô trên tổ. Một khi đàn yến không phát triển, nhân đôi số lượng theo từng năm thì đồng nghĩa với khoản đầu tư, nguồn thu của hộ nuôi sẽ giảm sút”, anh Luôn giải thích.

Sẽ xử lý nghiêm đối tượng giăng lưới, bắt chim tận diệt

Bức xúc trước các hành vi săn bắt chim, nhiều hộ nuôi yến đã trực tiếp gặp các đối tượng để yêu cầu không giăng bẫy bắt. Có nhóm thu gom lưới rời đi, song có nhóm cũng tỏ ra bất hợp tác vì cho rằng “chim trời, cá nước” muốn bắt thì bắt. Nhiều trường hợp còn thách thức, tái diễn hành vi và đã được người dân báo cơ quan chức năng xử lý, tịch thu công cụ, lưới giăng bẫy chim.

Trao đổi với P.V, Trung tá Hướng Công Nhựt, Trưởng Công an xã Phú An, cho biết thời gian gần đây trên địa bàn nổi lên tình trạng các nhóm đối tượng là người từ các địa phương khác đến có hành vi dùng các loại lưới mờ để giăng bẫy bắt chim trời tận diệt. “Việc giăng bẫy bắt chim, trong đó bắt chim yến của các hộ dân đã gây không ít bức xúc cho người dân. Công an xã cũng đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân địa phương không thực hiện các hành vi giăng bẫy bắt chim trời, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến các hộ nuôi yến. Khi phát hiện và có thông tin cung cấp từ người dân là chúng tôi có mặt xử lý, thu giữ lưới, công cụ giăng bẫy chim, đồng thời buộc các đối tượng ký cam kết không tái phạm”, Trung tá Nhựt nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết để ngăn chặn tình trạng giăng bẫy, bắt chim, góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường, địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân. Đối với trường hợp vi phạm trên địa bàn, lãnh đạo địa phương chỉ đạo lực lượng Công an xã cương quyết xử lý. Các trường hợp vi phạm đều cho thực hiện cam kết để bảo đảm không tái phạm trong thời gian tới.

Theo Thượng tá Đặng Đình Hà, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, thời gian qua phòng đã tổ chức triển khai, phổ biến giáo dục pháp luật, tiến hành kiểm tra, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và các loài chim di cư. Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương ra quân tuyên truyền đến các cơ sở nuôi nhốt và buôn bán chim cảnh, các nhà hàng quán ăn cam kết không mua bán, trưng bày, quảng cáo, tổ chức giết thịt các loài chim di cư và các loài động vật hoang dã; song song đó là hoạt động ra quân kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.

“Tin tưởng rằng, với kế hoạch triển khai của các cơ quan chức năng và các địa phương trong thời gian tới sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định liên quan để qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng giăng bẫy tận diệt chim trời cũng như các loại động vật hoang dã khác đang được bảo vệ. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng khác”, Thượng tá Hà nói.

“Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và nắm vững các quy định pháp luật, tuyệt đối không săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển các loài chim di trú, động vật hoang dã. Đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi giăng bẫy để bắt các loài chim trời, chim di cư, đặc biệt là bẫy bắt khu vực các nhà nuôi chim yến của người dân trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân có thể báo đến trụ sở cơ quan công an gần nhất hoặc về Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh”.

(Thượng tá Đặng Đình Hà, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh)

MINH DUY - XUÂN THI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1020
Quay lên trên