Báo động về bạo lực học đường - hướng xử lý

Cập nhật: 18-07-2022 | 08:48:48

Bạo lực học đường hiện nay có xu hướng gia tăng, diễn ra ở nhiều nơi, do đó đang trở thành một vấn nạn của xã hội. Những hành vi thô bạo, ngang ngược, xúc phạm, gây tổn thương đến tinh thần và thể xác người khác hiện đang diễn ra hết sức nghiêm trọng trong phạm vi trường học.

Bạo hành học đường tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau tùy vào nhiều nhóm đối tượng học sinh khác nhau, bao gồm:

- Bạo lực về thể chất: Đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, tra tấn, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người, đổ đồ ăn lên người…

- Bạo lực bằng lời nói: Xúc phạm, lăng mạ, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người thông qua lời nói, bắt người khác làm theo ý mình…

Một thực trạng dễ dàng nhận thấy hiện nay đó là ở trong trường học, hiện tượng các em học sinh chửi bới, lặng mạ, sỉ nhục bạn bè khá phổ biến. Ngoài việc lăng mạ, xúc phạm người khác, để thỏa mãn tính hiếu thắng của mình các em còn sử dụng vũ lực, gây tổn hại đến sức khỏe của đối phương, có nhiều trường hợp công an phải vào cuộc.

Đối tượng của bạo lực học đường cũng có sự đa dạng và phức tạp, diễn ra tại các cấp từ tiểu học cho đến đại học. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở những đối tượng là nam giới mà còn cả ở nữ giới. Như vậy, đối với hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý như thế nào?

Hướng xử lý khi bạo lực học đường xảy ra

Đầu tiên, để khắc phục tình trạng này cần phải xác định rõ nguyên nhân và đưa ra những giải pháp hợp lý cũng như thiết thực nhất, bảo đảm những biện pháp ấy được thực hiện một cách nghiêm túc và chặt chẽ nhất.

Đối với học sinh, sinh viên hay thanh niên cần phải có ý thức tự rèn luyện, tìm hiểu, nâng cao nhận thức của bản thân. Ý thức được những hành động cũng như hậu quả khi thực hiện hành động bạo lực trong nhà trường.

Đối với nhà trường cần có thái độ quyết liệt phê phán răn đe, giáo dục cải tạo, biện pháp trừng phạt kiên quyết làm gương cho người khác.

Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường cần có một kế hoạch chi tiết để đáp ứng một cách kịp thời, phải báo cáo với các thông tin cơ bản như nội dung sự việc, cần phải lắng nghe từ các bên để giải quyết vụ việc một cách khách quan. Nhà trường và đội ngũ giáo viên cần tích cực hoàn thiện chương trình đào tạo và đưa bộ môn giảng dạy kỹ năng sống vào chương trình giáo dục.

Đối với những đứa trẻ dù là thủ phạm hay nạn nhân, quan trọng nhất vẫn là phải bảo vệ các em khỏi dư luận. Cần xử lý tin đồn và truyền thông trên mạng, không lan truyền thông tin làm lộ danh tính của những đứa trẻ vì có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai chúng sau này.

Đối với các bậc phụ huynh, đừng vì quá nóng giận mà ảnh hưởng đến quá trình giải quyết sự việc, phải tuyệt đối bình tĩnh để xem cách thức ứng xử, giải quyết như thế nào cho các bên đều cảm thấy hài lòng. Nếu con mình là nạn nhân thì trước hết nên trấn an tinh thần, động viên con về mặt tâm lý, chăm sóc sức khỏe của con. Thường xuyên chia sẻ, trò chuyện, giáo dục các con giữ cho trái tim luôn ấm nóng tình yêu thương, nhận thức rõ vai trò sức mạnh của tình người ý thức rõ ràng về hành động và hậu quả hành động do bản thân thực hiện. Dạy con khi đứng trước một kẻ bắt nạt con, con nên làm thế nào để người ta đừng gây ra những tổn thương cho mình.

Pháp luật xử lý hành vi bạo lực học đường

Xử lý dân sự:

Việc đánh đập này nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ khác thì phải cótrách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bịxâm phạm. Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần, như:

Nếu con chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Nếu con đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Xử lý hình sự:

“Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo đó những học sinh đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội: Tội cố ý gây thương tích (Điều 104 Bộ luật Hình sự); tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật Hình sự)

Xử lý hành chính:

“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý” (Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012) với hình thức cảnh cáo. Theo đó, “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện”.

HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên