Bao giờ nông dân hết khó?

Cập nhật: 17-06-2010 | 00:00:00

Sau hơn 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những cơ hội và thách thức đối với hàng hóa nông sản Việt Nam đã lộ diện, trong đó thách thức đang ngày càng lớn dần, cụ thể là vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng liên tục, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, hàng hóa nông sản làm ra thiếu sức cạnh tranh, nông dân không có lãi... Đây là những vấn đề được nhiều cử tri đề cập trong các buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp đang diễn ra và cũng là vấn đề mà nhiều nông dân đã bức xúc đặt ra tại hội nghị tìm lối ra cho nông sản do Sở Công Thương tổ chức mới đây.

Tuy là tỉnh công nghiệp, nhưng Bình Dương hiện có gần 1.800 trang trại, chưa kể số hộ nông dân sản xuất cá thể chiếm khoảng 80 - 90% số hộ của các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên. Để tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển, thời gian qua Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương cũng đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, trong đó rõ nhất là hỗ trợ về vốn, giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Tuy nhiên, hàng hóa nông sản của nông dân làm ra vẫn thiếu sức cạnh tranh và khó tiêu thụ. Nguyên nhân được chỉ rõ là do sức ép từ hàng hóa nông sản nhập khẩu, hạ tầng cơ sở nông thôn chưa hoàn thiện, giá cả đầu vào và hàng rào kỹ thuật lẫn phi kỹ thuật được các nước nhập khẩu... Những “chướng ngại” này theo nhiều nông dân là khó vượt qua nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Quan ngại nhất hiện nay là tình hình nhập khẩu hàng hóa nông sản tràn lan, khiến nông dân đã khó càng thêm khó! Theo tính toán của nông dân, để có lãi giá gà sống nông dân bán ra tại trang trại phải trên dưới 20.000 đồng/kg, trong khi đó thịt gà nhập khẩu bán trên thị trường chỉ 18.000 đồng/kg! Giá thành tỏi nông dân trong nước sản xuất là 20.000 đồng/kg, trong khi đó tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ với 8.000 đồng/kg... Để cạnh tranh với hàng hóa nông sản nhập khẩu, nông dân buộc phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm làm ra, nhưng đây là bài toán không dễ vì giá vật tư đầu vào, hạ tầng phục vụ nông nghiệp không cho phép. Nhiều nông dân cho biết giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... liên tục tăng, có tháng tăng tới 2 - 3 lần; điện thì một tuần cúp 2 ngày, trang trại phải chạy máy phát với chi phí tăng gấp 4 lần sử dụng điện, khiến giá thành nông sản làm ra đội lên!

Bên cạnh những quan ngại nói trên, một số vấn đề khá tinh tế khác mà ở góc độ nông dân khó nhìn thấy là trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, thiếu vùng chuyên canh nguyên liệu, hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu cũng đang góp phần tạo ra những thách thức lớn đối với hàng hóa nông sản trong nước. Tại sao giá heo hơi của Thái Lan rẻ hơn Việt Nam, tại sao giá nấm của Trung Quốc chỉ hơn phân nửa giá nấm của nông dân trong nước... là những câu hỏi mà có đi sâu tìm hiểu thì mới có giải đáp đầy đủ. Giá thành nông sản của các nước rẻ hơn là do giá đầu vào rẻ hơn vì họ có vùng cung cấp nguyên liệu, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật của nông dân mỗi nước khác nhau nên giá thành sản phẩm làm ra cũng khác nhau...

Nguyên nhân đã rõ, để giúp nông dân gỡ khó tất nhiên phải lần lượt tháo từng nút thắt mà nông dân đã chỉ ra. Cái khó là đơn vị nào sẽ đứng ra tháo gỡ những cái khó này giúp nông dân?

LÊ QUANG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên