Bạo hành trẻ em, các chế tài của pháp luật

Cập nhật: 19-08-2022 | 21:37:28

Thời gian qua, đã có vô số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2021 có gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra.

Trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước, các em cần phải được bảo vệ, che chở, chăm sóc để phát triển toàn diện về nhân cách và đạo đức, có đầy đủ “đức” và “tài” để góp phần xây dựng đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, có rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em khiến nhiều người phẫn nộ.

Nhiều vụ việc xảy ra trong gia đình chủ yếu là do cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đặc điểm của bạo lực gia đình là xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình, do đó rất khó phát hiện và đáng lên án nhất là nhiều vụ bạo hành xảy ra do có sự dung túng tiếp tay bởi chính những người ruột thịt của các em. Các em là những đứa trẻ thơ, không có khả năng phản kháng, nên khi sự việc được phát hiện thì tình trạng các em đã ở mức nghiêm trọng, khi các em đã được đưa đến viện thì luôn trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.

Do đó, trước vấn nạn bạo lực gia đình và để bảo vệ trẻ em khỏi sự xâm hại, chúng ta cần có cơ chế đặc biệt, pháp luật chế tài các hành vi gây nguy hiểm cho các em, cho xã hội.

Để góp phần ngăn chặn, hạn chế tội phạm xâm hại trẻ em, pháp luật Việt Nam đã quy định:

Bạo hành trẻ em được hiểu là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em, trong đó:

- Bạo lực thể chất là hành vi dùng vũ lực với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác, như: Đánh đập, trói hoặc có hành động khác gây tổn thương cơ thể.

- Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. Hành vi bạo lực tinh thần có thể bao gồm: Chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; gây áp lực thường xuyên về tâm lý hoặc hành động khác gây tổn thương tinh thần. Những hành vi này mặc dù không tác động trực tiếp đến thể chất nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ em.

Các hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật và tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, như: Tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người.

Như vậy, người có hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.

Ngoài các chế tài của pháp luật, điều quan trọng nhất để phòng, chống, ngăn chặn bạo hành xâm hại trẻ em đó là gia đình. Gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người cha người mẹ, cùng nhau yêu thương, quan tâm chăm sóc con cái, bảo vệ con khỏi những tác nhân gây hại.

HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên