Ngày 1-7-2011, Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) chính thức được triển khai thí điểm tại 21 tỉnh, thành trên cả nước. Bình Dương cùng với các địa phương Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Hà Nội được bảo hiểm đối với trâu, bò, heo, gia cầm.
Triển khai tốt BHNN sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân
BHNN được Chính phủ ban hành vào tháng 3-2011 và triển khai thí điểm từ ngày 1-7. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo được hỗ trợ 80%; hộ nông dân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60%; các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm... Đây là chủ trương thiết thực bởi lẽ lợi ích của chương trình BHNN là rất lớn; đối với người nông dân BHNN giúp họ giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh; đối với doanh nghiệp (DN), đây là thị trường tiềm năng để phát triển sản phẩm bảo hiểm.
Tuy nhiên, dù là địa phương được thí điểm triển khai nhưng 1 tháng qua tình hình khá im lặng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh không biết đến chương trình này, cũng chưa có DN nào đứng ra tổ chức giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn nông dân thực hiện, công tác tuyên truyền giải thích của DN bảo hiểm chưa đủ để người dân nhận thức ra và tham gia bảo hiểm, các tổ chức hiệp hội cũng chẳng có động thái nào để giúp nông dân hiểu rõ hơn về chương trình... Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay, dù công nghiệp phát triển nhưng nông nghiệp vẫn có chỗ đứng nhất định với giá trị sản xuất khá cao. Tính đến hết tháng 6-2011, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 715 tỷ đồng; hơn nữa Bình Dương hiện có 5.443 con trâu, 29.348 con bò, 417.739 con heo và đàn gia cầm 2.888.000 con. Cùng với số lượng lớn, chăn nuôi của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, dễ kiểm soát nên đây được xem là thị trường tiềm năng đối với loại hình BHNN. Nhưng vì sao DN còn thờ ơ?
Thực tế thời gian qua, DN chưa mặn mà với BHNN vì sản phẩm BHNN không phải “dễ ăn”. Bài học nhãn tiền từ hơn 10 năm trước, BHNN đã được Công ty Groupama (Pháp) và Bảo hiểm Bảo Việt triển khai. Thế nhưng kết quả là con số không tròn trịa, phí bảo hiểm thu được không nhiều so với bồi thường lại quá lớn nên “chịu không nổi”. Bên cạnh đó, cũng có một số DN thực hiện BHNN trong thời gian qua nhưng quy mô lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước những tồn tại này, BHNN triển khai lần này được Nhà nước hỗ trợ đáng kể có thể xem là làn gió mới đem lại lợi ích cho nông nghiệp - nông thôn. Song phải nhìn nhận thực tế đây là lĩnh vực bảo hiểm nhiều rủi ro, liên tục xảy ra thiên tai, dịch bệnh; mức đền bù cao trong khi mức thu phí thấp; hơn nữa các DN sẽ khó đánh giá mức thiệt hại của nông dân, khó xác định khi có thiên tai dịch bệnh... nên dẫn đến quá trình bồi thường sẽ khó khăn. Vì vậy để BHNN triển khai hiệu quả, Nhà nước cần có bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, nhiều hướng dẫn cụ thể hơn nữa mới thực hiện được. Mặt khác, ngành nông nghiệp, hội nông dân, các địa phương cũng cần vào cuộc để người mua và bán BHNN hiểu rõ, xích lại gần nhau hơn là điều cần làm. Nói cách khác, chính sách BHNN là chủ trương đúng hướng, nhưng để đi vào thực tế cần phối hợp thực hiện và vào cuộc của cả 3 nhà: Nhà nước, nhà nông và nhà DN.
NGÔ MINH